Chiều 26-4, Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội mới” được tổ chức tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu chỉ đạo diễn đàn.
"Đây là sáng kiến mới và hiệu quả nhằm tạo cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với Chính phủ và các địa phương, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định.
Sau khi đánh giá cao ý nghĩa của diễn đàn trong bối cảnh năm 2020 vừa qua đầy sóng gió, khó khăn, Phó Thủ tướng thông tin: “Theo nhiều cơ quan thông tin kinh tế quốc tế đáng tin cậy như Finance Brand, Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí Kinh tế của Anh (The Economist), Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất trên thế giới với mức tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn ở châu Á”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đến vì sự phát triển bền vững. Ảnh: CTV
Theo Phó Thủ tướng, từ năm 1987 đến nay đã có ba làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Tính đến tháng 12-2020, sau 33 năm phát triển và thu hút FDI, đã có 33.070 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 384 tỉ USD; vốn thực hiện khoảng 231,86 tỉ USD, bằng 60,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
“Khu vực FDI chiếm tỉ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của cả nước; số thu nộp ngân sách nhà nước cũng tăng đều qua các năm. Khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với mức đóng góp vào GDP tăng đáng kể” - Phó Thủ tướng nói.
Trong năm 2020, dù có nhiều khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam, triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Đây chính là “lá phiếu” ủng hộ Chính phủ, bộ ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính hiện đại, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp chung tay vì một Việt Nam thịnh vượng”- Phó Thủ tướng nói thêm.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng vẫn cho rằng FDI tại Việt Nam có mức độ kết nối, lan tỏa còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng; Thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế.
“Còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường; Hiệu quả sử dụng các nguồn lực và các nguồn tài nguyên của nhiều dự án đầu tư nước ngoài chưa thực sự hiệu quả và bền vững”- Phó Thủ tướng nhận xét.
Đề cập đến các Nghị quyết của Bộ Chính trị về thu hút FDI và yêu cầu phải thích ứng, chủ động, sáng tạo và đón kịp dòng chảy của làn sóng FDI thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đưa được dòng vốn chất lượng cao về Việt Nam, Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ nêu bốn vấn đề cần giải quyết.
Cụ thể là giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị - xã hội ổn định; tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô; ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng khẳng định các địa phương sẽ hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư triển khai các dự án “với tốc độ nhanh nhất, thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất thông qua cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng”.
“Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn lâu dài, tôn trọng pháp luật và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam” - Phó Thủ tướng nêu.