Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị lãnh đạo địa phương cần cân phân giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường - Ảnh: CHÍ TUỆ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan chia sẻ như vậy tại hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021 diễn ra sáng 27-4 tại Phú Thọ.
Lần đầu tiên chủ trì một hội nghị phòng chống thiên tai, ông Hoan nói ông ước mơ quê hương Đồng Tháp có ngọn núi nhỏ, còn ra đây đồi núi bạt ngàn, nên thơ, nhưng bỗng một lúc lại sạt lở. Mọi vùng miền, nếu nhìn vào kỳ quan thấy nó đẹp, nếu nhìn vào rủi ro thấy bất trắc khó lường.
Dẫn chứng về bộ phim "Thiên nhiên và con người", ông Hoan cho rằng loài thông minh nhất chính là loài người, nhưng loài người lại góp phần làm "mẹ thiên nhiên nổi giận", mới cảnh cáo con người thôi.
"Chúng ta thường nói chống hay hơn phòng, khi có thiên tai chúng ta xúm lại chống, sau đó xử lý, nhưng khi thiên tai qua đi, chúng ta lại quên. Phòng là chúng ta phải tìm được giải pháp căn cơ hơn, để 5-10 năm sau, tới thế hệ con cháu được sống an toàn hơn. Những hạ tầng nào chúng ta phải tiếp tục đầu tư, chỗ nào xung yếu cần khắc phục, cần có chiến lược dài hạn trên nền tảng của công nghệ..." - ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, thông điệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là không lấy môi trường để đổi lấy phát triển kinh tế.
"Ở đâu đó ở mỗi địa phương để đáp ứng tăng trưởng thì có một lúc nào đó chúng ta xem nhẹ, có lúc nào đó chúng ta có đánh đổi chút nào hay không, đây là vấn đề chúng ta cùng suy nghĩ.
Nhiều khi cái lợi ích trước mắt và có những cái tổn hại sau này không có gì bù lại được. Phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế, giải quyết được các vấn đề xã hội và giữ được môi trường, có đánh đổi chút nào đó hay không?
Tôi nói không có ý định phê bình nhưng đây là thông điệp để chúng ta suy nghĩ trước khi làm. Lãnh đạo địa phương cũng cân phân giữa lợi ích trước mắt nhưng lại đảm bảo cho chiến lược lâu dài" - ông Hoan nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến - phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm qua thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt trong suốt cả năm với những yếu tố dị thường và ghi nhận nhiều giá trị vượt mức lịch sử.
Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái, trên 198.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỉ đồng.
Những tháng đầu năm 2021, trong khu vực đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực.
Thiên tai đã làm 3 người chết, 1 người bị thương, 320 nhà bị hư hại, tốc mái, 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính là 25 tỉ đồng.
TTO - Mười thiên tai tốn kém nhất trên toàn cầu năm 2020, với tiền bồi thường bảo hiểm sơ sơ trị giá 150 tỉ USD phản ánh tác động lâu dài của tình trạng trái đất nóng lên. Trong các thiên tai này có bão lũ tháng 10-11 ở châu Á.