Theo thông tin được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai công bố tại "Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021" diễn ra tại Phú Thọ sáng nay 27/4, năm 2020 được ghi nhận là năm thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt trên phạm vi cả nước, trong suốt cả năm với những yếu tố dị thường và ghi nhận nhiều giá trị vượt mức lịch sử. Thiên tai diễn dồn dập, khốc liệt và diễn biến dị thường trong năm 2020 đã khiến 357 người chết và mất tích, gây thiệt hại về kinh tế 39.962 tỉ đồng.
Cả nước đã xuất hiện 16/21 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, trong đó có cơn bão số 9 mạnh nhất trong vòng 20 năm qua; 265 trận giông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn sạt, lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Đặc biệt, khu vực miền núi nước ta xuất hiện những đợt mưa đặc biệt lớn kéo dài ngày gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, vượt quá khả năng dự báo, tính toán của cơ quan phòng chống thiên tai.
Năm 2020, thiên tai đã khiến 357 người chết và mất tích, gây thiệt hại về kinh tế 39.962 tỉ đồng. |
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng cho biết, những tháng đầu năm nay, khu vực vùng núi phía Bắc đã xảy ra 8 trận mưa đá, giông lốc, sét; 4 trận động đất; 3 đợt rét đậm, rét hại; 2 trận lũ ống, lũ quét. Thiên tai đã làm 3 người chết và mất tích, 1 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính 25 tỉ đồng. Đáng chú ý, mặc dù chưa bước vào mùa mưa nhưng một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, đây là lần đầu tiên ông chủ trì hội nghị ở ngoài địa phận Hà Nội trên cương vị Bộ trưởng.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để phòng được thiên tai, chúng ta phải có giải pháp căn cơ, không phải cho năm nay hay năm sau mà lâu dài hơn, tầm nhìn 5 năm hoặc 10 năm tới để con cháu chúng ta trong tương lai được sống trong môi trường an toàn hơn trước thiên tai.
“Trong phòng chống thiên tai cần có chiến lược dài hạn dựa trên nền tảng công nghệ, như công nghệ dự báo, công nghệ cảnh báo sạt trượt từ sớm...”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý.
Ông Lê Minh Hoan cho rằng: “Ở đâu đó có địa phương muốn đáp ứng tăng trưởng kinh tế đã xem nhẹ bảo vệ môi trường, đây là vấn đề chúng ta cùng suy nghĩ. Quan điểm của Đảng, Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế. Nếu không định hướng phát triển bền vững thì những hậu quả nặng nề sẽ xảy ra ngay trước mắt chứ đừng nghĩ tới lâu dài mới nhận. Những lợi ích trước mắt sẽ không thể nào bù đắp lại được so với những cái tổn hại sau này phải hứng chịu”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị. |
Theo Bộ trưởng, các địa phương cần tính toán giữa lợi ích trước mắt và lâu dài. Vì phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột, đó là: tăng trưởng kinh tế, giải quyết được các vấn đề xã hội và giữ được môi trường. Phải thỏa mãn nhu cầu cho thế hệ hôm nay và không tổn hại đến thế hệ mai sau.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu Chính phủ cụ thể hoá chiến lược phòng chống thiên tai trong 5 năm -10 năm tới, chuẩn bị nguồn lực, đánh giá các tác động rủi ro, cơ sở hạ tầng, phương tiện để ứng phó kịp thời.
“Đặc biệt phải xem lại quy hoạch, không gian sống cho bà con. Vì bà con sống theo tập quán, theo sông, suối, những vị trí rất nhạy cảm nếu thiên tai xảy ra. Vấn đề này không thể ngày một ngày hai, chúng ta phải xem lại quy hoạch, kể cả quy hoạch không gian sống cũng như quy hoạch sản xuất cuả người dân. Đó mới là hướng căn cơ lâu dài, cũng như chúng ta nâng cao năng lực ứng phó, năng lực tìm kiếm cứu nạn để chúng ta giải quyết sau khi thiên tai xảy ra, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.