Giá thức ăn thủy sản tăng liên tục, Tổng cục Thủy sản yêu cầu kiểm tra
Nam Bình
(KTSG Online) - Từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại thức ăn thủy sản tăng cao khiến cả nông dân và doanh nghiệp lao đao. Tổng cục Thủy sản đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra giá thành, nguồn cung các nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản để đưa ra giải pháp đối phó phù hợp.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao
Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) cho rằng, giá các nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản hiện nay biến động liên tục.
Theo đó, giá các nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản đã tăng khủng khiếp trong thời gian gần đây. Tình trạng tương tự đã từng diễn ra vào năm 2013 khiến cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản lẫn nông dân lao đao.
Ông Bình cho ví dụ, giá bắp nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam cách đây vài tháng chỉ khoảng 4.500 đồng/kg nhưng hiện tại đã vọt lên mức 8.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi. Trong khi, ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiện nay phụ thuộc gần như hoàn toàn vào bắp và bã đậu nành, các nguyên liệu khác như khoai mì, gạo tấm, bột cá… chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Giá nhiều loại nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản như bắp, bã đậu nành... đã tăng cao từ đầu năm đến nay trong khi ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên liệu này từ nguồn nhập khẩu. Ảnh: Nam Bình. |
Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng thông tin, giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn thủy sản trong ba tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, giá bã đậu nành đã tăng 38,6%, bột thịt gà tăng hơn 25,4%, bắp tăng gần 16%, sắn lát tăng 13,4%; dầu cá nước ngọt tăng 26,3%; cám gạo nguyên dầu tăng 12%; lecithin tăng 36,7%... và vẫn đang còn dấu hiệu tiếp tục tăng thêm.
Giá nguyên liệu tăng buộc các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản phải tăng giá bán để bù đắp chi phí. Theo đó, tính đến giữa tháng 4 vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn thủy sản đều đã thông báo tăng giá bán.
Có thể kể đến như các sản phẩm của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tăng thêm 1.500 đồng/kg từ 1-3, các sản phẩm thức ăn nuôi tôm của Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam tăng thêm 1.200 đồng/kg kể từ 1-4 hay Công ty TNHH Tongwei Việt Nam cũng thông báo tăng giá bán đối với thức ăn nuôi tôm thêm từ 1.200 đồng/kg đến 1.400 đồng/kg hồi tháng 2 vừa qua…
Lo hụt nguyên liệu cho sản xuất
Dù phải chấp nhận mua nguyên liệu sản xuất ở mức giá cao ngất ngưỡng nhưng điều khiến ông Bình ngạc nhiên là không có lý do nào hợp lý để giải thích cho việc tăng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đột biến như hiện nay, như mất mùa, thời tiết bất lợi, hay nhu cầu tăng đột biến…
Theo ông Bình, trên thực tế, sản lượng bắp trên thế giới hiện vẫn đạt mức 1 tỉ tấn, nhu cầu tiêu thụ có tăng cao từ phía Trung Quốc do nước này tăng mua nhưng không thể “gom cả thế giới” về mình.
“Tôi cho rằng, có thể một bong bóng hàng hóa đang hình thành, sau bong bóng chứng khoán, bong bóng bất động sản đã hình thành sau dịch Covid-19. Việc tăng giá như hiện nay là mức tăng ảo nhưng lại kéo theo hàng loạt hệ lụy trên thực tế”, ông Bình nhận định.
Ông Bình cho rằng, trước tình hình giá đầu vào các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tăng cao buộc doanh nghiệp trong nước phải tìm cách xoay xở, hoặc là tăng giá bán hoặc phải giảm chất lượng sản phẩm.
Giá nguyên liệu cao, nhiều doanh nghiệp đã tăng giá bán thức ăn thủy sản lên thêm từ 1.200 - 1.900 đồng/kg tùy loại. Ảnh: Nam Bình. |
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp nào tăng giá sẽ dễ mất thị phần. Do đó, doanh nghiệp đã cố gắng để giữ giá và chia sẻ với bà con nông dân bằng cách dùng giá gia quyền, tức mức giá trung bình giữa hàng cũ giá thấp và hàng mới giá cao.
“Hiện tại, các doanh nghiệp chỉ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản đều ở mức từ huề đến lỗ, trừ những doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi từ sản xuất thức ăn đến chăn nuôi, chế biến… thì may ra những khâu khác có thể có lợi nhuận để san sẻ bớt phần lỗ do chi phí thức ăn ở mức cao”, ông Bình nhận định.
Còn theo đánh giá của ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, nhiều doanh nghiệp không thể mua hàng vào, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản hiện không thể mua nguyên liệu theo quí, theo năm như trước mà chỉ mua với lượng “nhỏ giọt” theo từng tháng.
Để giảm áp lực lên giá thành cũng như tăng cường sức cạnh tranh của ngành hàng này, tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 các tỉnh phía Nam tổ chức cuối tuần qua ở Vũng Tàu, ông Luân đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, thống kê đầy đủ giá thành cũng như các thị trường nhập khẩu chính một số nguyên liệu thức ăn thủy sản hiện nay.
Từ đó, tham mưu để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan có phương án, giải pháp đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi nhằm có nguồn nguyên liệu ổn định, phù hợp cũng như đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn để ổn định sản xuất.