vĐồng tin tức tài chính 365

Mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế với diện tích gấp 6 lần hiện tại

2021-04-27 18:08

Mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế với diện tích gấp 6 lần hiện tại

Vân Ly

(KTSG Online) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định thông qua việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế tại phiên họp thứ 55 của Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 27-4. Phạm vi thành phố Huế từ hơn 70 kilômét vuông hiện tại sẽ mở rộng thêm 350 kilômét vuông. Diện tích mở rộng thuộc phạm vi một phần thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang.

Một góc thành phố Huế. Ảnh minh họa: Nhân Tâm

Tại phiên họp, trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chính phủ thấy rằng, việc mở rộng thành phố Huế là một bước cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mà Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 6-5-2014.

Theo đó, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm thành phố Huế hiện hữu (hơn 70 kilômét vuông) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi một phần thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang với diện tích khoảng gần 350 kilômét vuông.

Cùng với đó, việc sắp xếp các phường thuộc thành phố Huế có quy mô diện tích tự nhiên nhỏ là cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bởi, hiện nay, trên địa bàn TP Huế vẫn còn một số phường có diện tích khá nhỏ; không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

Việc thành lập các phường Phú Thượng, Hương Vinh, Thủy Vân và Thuận An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Phú Thượng, Hương Vinh, Thủy Vân và thị trấn Thuận An là nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp trong quản lý điều hành và phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Trình bày báo cáo thẩm tra đề án điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: “Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết của việc điều chỉnh địa giới hành chính này. Việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế là một bước quan trọng trong tiến trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị.”

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề án của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật; thống nhất sự cần thiết, điều kiện và tiêu chuẩn mở rộng TP Huế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy, hồ sơ Đề án đã được chuẩn bị từ năm 2019, qua quá trình chuẩn bị chu đáo, các cơ quan đã phối hợp hoàn chỉnh tốt, đúng quy định pháp luật về trình tự, thủ tục và được Chính phủ thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành việc triển khai các công tác quy hoạch đối với thành phố Huế và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch để có cơ sở cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.

Phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện về mọi mặt, đặc biệt là quy hoạch chung, quy hoạch phát triển đô thị bảo đảm yêu cầu phát triển theo quy định cả về không gian phát triển và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đô thị. Đồng thời, Chính phủ và chính quyền địa phương cần quan tâm khẩn trương kiện toàn, sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy, bảo đảm đời sống của nhân dân sau khi Nghị quyết có hiệu lực.

Điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính tại Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai và Tuyên Quang

Không chỉ Huế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định thông qua việc thành lập, điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính tại thành phố Hà Nội và 3 tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang.

Báo cáo về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở kiến nghị của UBND các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và TP Hà Nội, Chính phủ đề xuất thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm thuộc tỉnh Thanh Hóa. Bởi hiện nay, xã Quý Lộc và xã Yên Lâm được quy hoạch trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, trung tâm công nghiệp, vật liệu xây dựng kết hợp với dịch vụ hỗ trợ nghề đá, là đầu mối giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây bắc huyện Yên Định với các huyện giáp ranh.

Chính phủ đề xuất thành lập thị trấn Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Bởi xã Long Giao hiện nằm ở vị trí trung tâm của huyện Cẩm Mỹ. Là ngã ba kết nối các trục giao thông huyết mạch trong vùng, có trụ sở hành chính của huyện đặt trên địa bàn. Là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện. Đồng thời, từ khi hình thành và phát triển đến nay, huyện Cẩm Mỹ chưa có trung tâm huyện lỵ (thị trấn).

Đối với tỉnh Tuyên Quang, đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính nhằm chuyển 2 xã Phúc Sơn và Minh Quang của huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng của nhân dân địa phương. Thành lập thị trấn Lăng Can từ xã Lăng Can để góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Bình. Điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị trấn Yên Sơn nhằm đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong khu vực và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Sơn.

Đối với TP Hà Nội, điều chỉnh địa giới toàn bộ diện tích tự nhiên của 8 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân từ phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) quản lý và toàn bộ diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19 tháng 8 từ phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý. Việc này nhằm giải quyết dứt điểm những bất cập trong quản lý địa giới hành chính và dân cư, bảo đảm đúng quy định pháp luật và được sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn.

Trình bày báo cáo thẩm tra các đề án điều chỉnh địa giới và thành lập đơn vị hành chính của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và TP Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban này cơ bản tán thành việc điều chỉnh địa giới và thành lập các đơn vị hành chính của các tỉnh thành phố trên.

Đồng thời, Ủy ban trên kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các đơn vị hành chính của các tỉnh thành phố trên với những nội dung nêu trong tờ trình, đề án và các báo cáo giải trình của Chính phủ.

Trong đó, xác định thời điểm có hiệu lực của các Nghị quyết là từ ngày 1-7 tới để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu, giấy tờ của công dân, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới và không làm ảnh hưởng đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tán thành thông qua Báo cáo và thẩm tra về các đề án điều chỉnh địa giới và thành lập đơn vị hành chính của các tỉnh thành phố nêu trên và nhận thấy việc điều chỉnh theo các tờ trình của Chính phủ là cần thiết, đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị được đề nghị thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính đều đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định. Hồ sơ đề án, trình tự, thủ tục lập đề án tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: lmth.-iat-neih-nal-6-pag-hcit-neid-iov-euh-ohp-hnaht-hnihc-hnah-ioig-aid-gnor-om/687513/nv.semitnogiaseht.coaid

Comments:0 | Tags:No Tag

“Mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế với diện tích gấp 6 lần hiện tại”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools