Hàng loạt các vụ xăng dầu lậu, xăng giả và kém chất lượng với cả trăm triệu lít được đưa vào thị trường Việt Nam gần đây được cơ quan điều tra phát hiện. Từ Quảng Ngãi, Bình Thuận, Nghệ An, Đắc Nông, Đồng Nai, Sóc Trăng, Hâụ Giang, Cần Thơ… đều là những nơi có các đường dây buôn bán xăng dầu lậu, xăng giả và kém chất lương cực lớn bị bắt giữ.
Tình trạng này đang diễn ra từ Bắc tới Nam, không chỉ ở một vài tỉnh. Đặc biệt là trên biển và ở các địa phương ven biển, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng buôn bán xăng dầu lậu, xăng giả và kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Người chịu thiệt đầu tiên của tình trạng này chính là người tiêu dùng.
Cảnh báo tác động của xăng giả, xăng kém chất lượng
Để biết chính xác xăng đã bị pha trộn ảnh hưởng thế nào đến động cơ không gì hơn là đến những gara ô tô. Các thợ sửa chữa ở đây đều cho rằng ảnh hưởng của xăng kém chất lượng, xăng giả lên động cơ là có thể cảm nhận được và sẽ có tác động lâu dài lên động cơ.
Trong một thí nghiệm đo mối liên hệ giữa chất lượng xăng với mức khí thải sau khi bị đốt cháy. Một chiếc xe đạt tiêu chuẩn, khởi hành trong thời gian giả định vừa đủ, có dừng đỗ, tăng tốc như thật. Toàn bộ mẫu khí thải được nối thẳng vào hệ thống đo đạc.
"Nếu sử dụng nhiên liệu kém chất lượng, thành phần của nhiên liệu sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn, ảnh hưởng tới quá trình cháy, thành phần khí thải tăng lên", PGS Phạm Hữu Tuyến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu động cơ, Nhiên liệu, Khí thải, Đại học Bách Khoa Hà Nội nói.
Benzen, Acid H2S, CO, Cacbon… vốn đã là những chất rất độc trong khí thải xăng dầu. Xăng giả được đốt lên, khả năng đầu độc con người sẽ càng nhanh hơn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, trong 5 loại bệnh phổ biến ở nước ta, bệnh về đường hô hấp chiếm tỷ lệ cao nhất và cũng là nhóm đầu gây tử vong.
Hàng loạt các vụ xăng dầu lậu, xăng giả và kém chất lượng với cả trăm triệu lít được đưa vào thị trường Việt Nam gần đây được cơ quan điều tra phát hiện
Khó phân biệt xăng giả, xăng kém chất lượng
Trung bình 1 triệu lít xăng tương đương với lượng tiêu thụ của 7.300 chiếc xe ô tô đồng loạt chạy từ Hà Giang đến Cà Mau. Trong khi lượng xăng giả lên tới cả trăm triệu lít nhân lên sẽ là biết bao người bị thiệt hại.
Đáng nói đây mới chỉ là con số từ vài đường dây bị phanh phui. Với nhiều người, đổ xăng bây giờ cũng chẳng biết đâu mà lần, thật giả lắm khi cũng là chuyện may rủi.
Anh Lê Anh Tuấn - quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "20 năm nay chạy xe chỉ biết hết xăng thì đi đổ thôi chứ không biết thật giả thế nào đâu".
"Xe ô tô với mình là tài sản lớn, chẳng may đổ xăng giả chắc chắn động cơ sẽ bị hại", anh Nguyễn Xuân Tiến - quận Long Biên, Hà Nội nói.
Chị Đố Bích Ngọc - Hà Nội cho hay: "Tôi là phụ nữ mà, không biết xăng thật giả đâu, chỉ khi nào xe hỏng thì mình mang đi sửa thôi".
Khó khăn quản lý chất lượng xăng dầu bán lẻ
Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có 300 nhà phân phối xăng dầu, với khoảng 16.000 cửa hàng bán lẻ. Các thương nhân đầu mối nhập khẩu sẽ phân phối lại cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu, tiếp đến là tiêu thụ qua các cửa hàng xăng dầu bán lẻ.
Ở khâu cuối này, phóng viên VTV tiếp tục đi tìm những lỗ hổng trong quản lý. Vấn đề đáng lưu ý nhất đó là các cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế và chồng chéo trong công tác quản lý mặt hàng này.
Tại tuyến quốc lộ 32, nhóm phóng viên VTV mua 4 mẫu xăng Ron 95-III. Đây toàn bộ đều là các cây xăng của doanh nghiệp tư nhân phân phối. Ngay sau đó số mẫu này đã được xét nghiệm 11 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn được nhà nước quy định tại Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Với chi phí 7,5 triệu đồng cho 1 mẫu, sau hơn một ngày kết quả cho thấy có 1 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Đó là chỉ số Octan chỉ đạt 92 so với mức chuẩn 95 và hàm lượng Olefin là 30 so với 37.
Một thử nghiệm nhỏ đã có thể cho thấy không phải doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu nào cũng làm theo quy chuẩn. Theo tính toán của đại diện tổng cục đo lường chất lượng, mỗi lít xăng Ron 95-III có giá khoảng 19.000 đồng/ lít nhưng nếu giảm một vài chỉ số Octan hay Olefin, người bán đã có thể ăn chênh lệch từ 3.000 - 4.000 đồng/lít.
Lực lượng Công an khám xét một cây xăng trong chuyên án. Ảnh: Báo Nhân dân.
Thống kê của lực lượng quản lý thị trường cho biết, cả nước hiện có hơn 16.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, tuy nhiên mỗi năm chỉ có 1/10 trong số này bị thanh kiểm tra.
Để có được buổi làm việc tại cửa hàng xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phải được Bộ Công Thương thông qua từ thời điểm đầu năm. Cùng với đó phải thông báo cho chủ cửa hàng trước đó ít nhất 3 ngày.
Từ buổi kiểm tra thực thế của một doanh nghiệp xăng dầu có thể thấy lực lượng Quản lý thị trường khi kiểm tra các cửa hàng xăng dầu chủ yếu tập trung vào việc niêm yết giá, gian lận đo lường, còn việc kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu ngành Khoa học và Công nghệ đảm nhiệm.
Sau cùng muốn xử lý theo quy định của pháp luật thì phải có sự vào cuộc của cả lực lượng công an. Dù các cơ quan chức năng đi kiểm tra xử phạt, nhưng ít khi kết quả được công bố công khai rõ ràng tên, địa chỉ cây xăng vi phạm để người tiêu dùng biết
Số tiền mà các doanh nghiệp làm giả và buôn lậu xăng dầu "chiếm đoạt" được của Nhà nước sẽ khiến ngân sách thất thu rất lớn. Chỉ một tàu nhỏ bán 10.000 m3 xăng dầu trót lọt ra thị trường, doanh nghiệp sẽ ung dung đút túi tầm 50 tỷ đồng.
Giải pháp dán tem niêm phong đối với đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh bán lẻ vẫn là phương án duy nhất lúc này. Tuy nhiên, sự hiệu quả chưa được thể hiện rõ khi vẫn có hàng chục vụ buôn bán xăng giả, buôn bán hóa đơn bị các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian vừa qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73714849182401202-hnah-gnol-aig-gnax-ehc-oc-nauq-naul/et-hnik/nv.vtv