Ngày 29-4, một nhóm người chưa xác định được đã tấn công 2 căn cứ không quân của Myanmar, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ truyền thông địa phương và nhân chứng. Một căn cứ hứng nhiều vụ nổ và căn cứ còn lại hứng nhiều quả rocket.
Ở vụ tấn công đầu tiên, ba tiếng nổ xuất hiện tại căn cứ không quân gần thị trấn Magway vào tầm 3 giờ sáng 29-4. Thông tin này được trang tin Delta News Agency đưa lên tài khoản facebook của mình.
Delta News Agency cho biết có 6 quân nhân Myanmar bị thiệt mạng.
Nhân viên an ninh đã tăng cường kiểm soát các con đường bên ngoài căn cứ, sau khi các vụ nổ xảy ra, Delta News Agency cho biết.
Sau đó, ít nhất 5 quả rocket được phóng nhắm vào căn cứ không quân Meiktila - một trong những căn cứ không quân chính cùa Myanmar ở phía đông bắc vùng Magway, nhà báo Than Win Hlaing cho biết. Nhà báo này ở gần căn cứ lúc sự việc xảy ra.
Hiện chưa bên nào nhận trách nhiệm hay có thông tin gì về thương vong trong các vụ tấn công. Quân đội Myanmar chưa bình luận về vụ việc.
Xe tăng quân đội Myanmar tại một cuộc diễn tập chung giữa lục quân và không quân nước này gần vùng Magway (Myanmar) đầu năm 2019. Ảnh: AFP/STR
Mọi lối vào ra vùng Magway đã bị cảnh sát và quân đội phong tỏa. Cảnh sát kiểm soát giấy tờ từng tài xế xe hơi và mô tô, người nào từ chối trình giấy tờ sẽ bị bắn. Đã có 2 nhà sư bị thương vì vượt qua chốt kiểm soát mà không dừng lại.
Giao tranh giữa quân đội và các tay súng các nhóm vũ trang thiểu số xuất hiện nhiều hơn kể từ sau chính biến. Quân đội nhiều lần thực hiện không kích ở các khu vực biên giới ở bắc và đông Myanmar.
Hai ngày trước có thông tin nhóm vũ trang Liên đoàn Quốc gia Karen (ở bang Karen) cho biết đã chiếm một tiền đồn quân sự của quân đội Myanmar gần biên giới phía đông với Thái Lan.
Thông tin về các vụ tấn công đến sau gần 3 tháng Myanmar xảy ra chính biến quân sự (1-2). An ninh bên trong Myanmar chưa có dấu hiệu được cải thiện dù cộng đồng khu vực và quốc tế đã và đang nỗ lực tìm cách dàn xếp khủng hoảng chính trị nước này.
Cuối tuần trước 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã họp tại thủ đô Jakarta (Indonesia) cùng với Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar – tướng Min Aung Hlaing. Các lãnh đạo ASEAN sau đó đã cùng thống nhất một tuyên bố chung 5 điểm, từng bước chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đối thoại giữa các bên tướng lĩnh và lãnh đạo dân sự ở Myanmar.
Tuy nhiên chính quyền quân sự Myanmar không chấp nhận các đề xuất này, cho biết sẽ chỉ cân nhắc một khi tình hình ổn định. Phần chính phủ đối lập – các nhân vật lãnh đạo dân sự, nhà lập pháp bị bãi miễn sau chính biến – bác bỏ khả năng đối thoại về khủng hoảng đến chừng nào toàn bộ tù nhân chính trị được thả.