Trong "Tự do tài chính" số 18 với chủ đề "Ét Ô Ét! Tiền đi đâu hết rồi?", Khi được mời chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân trong việc đặt mục tiêu tài chính, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc phụ trách phát triển kênh phân phối đối tác Công ty Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cho biết mình đã đặt mục tiêu tài chính từ rất sớm.
Ngay khi vừa ra trường năm 1996, ông Tuấn đã có mục tiêu tài chính đầu tiên là có được chiếc xe máy để đi làm. Chia sẻ chi tiết hơn, thời điểm đó thu nhập từ lương của ông khoảng 400-500 USD/tháng và ông đã trích một nửa thu nhập để mua trả góp xe máy.
Sau khi hoàn thành việc mua xe máy, ông đã mượn sổ đỏ của bố mẹ và thế chấp vào ngân hàng để đi mua đất. Thời điểm đó, mảnh đất có giá trị khoảng 120 triệu. Trong khoảng hơn 2 năm, thì các khoản nợ đã được trả xong. Tuy nhiên giá trị đất lúc này, "số lần nó tăng là rất khủng khiếp", chuyên gia cho biết.
Mấu chốt chính của vấn đề vẫn là tiết kiệm. Khi xác định được mục tiêu tài chính thì việc chi tiêu phải thực sự được siết chặt và phải tuân thủ kỷ luật. Bên cạnh đó là sử dụng đòn bẩy.
Theo ông Tuấn, khi mua một món đồ, không thể chỉ sử dụng đồng lương và hoàn toàn không đi vay. Điều đó sẽ không tạo ra được việc gia tăng giá trị tại sản. Tuy nhiên, các khoản nợ phải được cân đối về khả năng trả nợ.
Ông Nguyễn Hữu Quang - Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank tại chương trình cũng chia sẻ về kinh nghiệm trên chặng đường tài chính của mình. Theo đó, thời trẻ ông tập trung vào công việc nên việc chi tiêu cũng hạn chế và chỉ sau vài tháng là thu nhập đã lớn hơn chi tiêu.
Về lộ trình tài chính, ông cho biết, sau khi đi làm một thời gian và có được thu nhập chủ động ổn định thì các cá nhân có thể tận dụng nguồn tiền từ các ngân hàng, các tổ chức tài chính để có thể đầu tư vào các loại tài sản như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, v.v. nhờ đó mà tài sản có thể sinh sôi nảy nở nhanh chóng.
Hiện nay có rất nhiều hình thức để người trẻ có thể lựa chọn đầu tư. Ví dụ như sự phát triển công nghệ cũng đi kèm với sự phát triển blockchain, crypto, các bạn trẻ cũng có thể tận dụng nó và kiếm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, nó sẽ đi kèm với nhiều rủi ro. Hoặc một số người cũng có thể chọn con đường đầu tư vững chắc hơn như gửi tiết kiệm, hay các quỹ mở v.v. Vấn đề là ở tùy khẩu vị rủi ro của mỗi người mà có thể lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.
Nhìn chung công thức chung của các chuyên gia cho giai đoạn tài chính chưa ổn định là tiết kiệm, tận dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư vào các tài sản.
https://cafef.vn/chuyen-gia-ke-chuyen-muon-so-do-bo-me-di-vay-ngan-hang-de-mua-dat-sau-hai-nam-tra-het-no-va-dat-tang-bang-lan-20220501150519241.chn
Theo Hoà An
Nhịp sống kinh tế