Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản hiện ở khoảng 7% trong tổng dư nợ tín dụng. Đây là mức dư nợ vẫn trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD, gấp ba lần so với năm 2020. Thực trạng này được cho là tiềm ẩn rủi ro đối với thị trường nói chung và bất động sản nói riêng. Vì vậy Chính phủ đã liên tiếp có các chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản và hoạt động trái phiếu.
Các chỉ đạo của Chính phủ cũng như ngân hàng Nhà nước xuất phát trên cơ sở tốt, nhằm thanh lọc, tạo sự ổn định cho thị trường và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, điều này đã và đang tác động không nhỏ tới sự hồi phục và phát triển của thị trường bất động sản hậu Covid-19.
Chia sẻ tại Hội nghị Góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để phát triển thị trường nhà ở và thị trường bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, nhiều doanh nghiệp cũng như chuyên gia cho biết, việc ngân hàng siết van tín dụng bất động sản có thể gây ra những hệ luỵ xấu cho thị trường.
Cụ thể, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng khẳng định, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, nếu không gỡ vướng được dòng vốn cho thị trường thì từ giờ đến cuối năm sẽ khó chồng khó và gây ra nhiều hệ lụy. Các dự án bất động sản lớn, nhỏ đều sẽ dừng triển khai, thị trường bị tắc nghẽn, thậm chí có thể đi đến bờ vực phá sản.
Ông Toàn còn cho biết, là doanh nghiệp chuyên về phân khúc nhà ở xã hội, có thể thấy vấn đề nhà ở xã hội đang là điểm nóng song bên cạnh việc chủ đầu tư khó tiếp cận vốn ngân hàng do chính sách siết tín dụng thì người vay vốn mua nhà ở xã hội cũng khó tiếp cận.
“Các đối tượng vay vốn mua nhà ở xã hội đều là người thu nhập thấp nhưng chính sách của ngân hàng lại quy định người dân ở đô thị được vay còn ở rìa đô thị hoặc ở nông thôn thì không được vay. Như vậy là các ngân hàng đi ngược lại với chính sách an sinh. Điều này quá bất cập, cho nên cần xem xét lại luật về tín dụng và cho vay. Đã là người thu nhập thấp thì đều giống nhau và cần được vay, không nên phân biệt hay cấm đoán”, ông Toàn nói.
Còn theo TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, thị trường bất động sản đang ở thời điểm tương đối nhạy cảm khi liên quan đến nhiều vụ việc của các lãnh đạo doanh nghiệp lớn dẫn đến việc ngân hàng quản lý chặt chẽ tín dụng đối với thị trường bất động sản, hạn chế tín dụng cho bất động sản.
“Theo tôi, điều này là hoàn toàn đúng nhưng sự điều chỉnh của chính sách ngân hàng đang là quá bao quát, không phân luồng cụ thể. Vì vậy, có sự ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp bất động sản.
Hiện nay, những sai phạm của doanh nhân là cần phải xử lý nhưng không có nghĩa là bỏ lại doanh nghiệp mà phải hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại. Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước nên quan tâm đến vấn đề khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp”, TS. Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
Theo đó, ông Lộc cũng nêu quan điểm, gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất hiện nay là gói hỗ trợ niềm tin cho các doanh nghiệp vào cơ quan quản lý Nhà nước, niềm tin vào sự hồi phục. Vì vậy, việc tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp là điều rất quan trọng.
Ở góc độ nhà quản lý, nhìn nhận về bất cập trong chính sách siết tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng: “Không phải chủ đầu tư nào cũng có nhiều tiền để làm dự án, bởi nhiều chủ đầu tư làm 2 - 3 dự án cùng lúc. Nếu tín dụng ngân hàng và trái phiếu bị siết chặt, dự án chưa đủ điều kiện để bán tài sản hình thành tương lai, chủ đầu tư sẽ không có tiền thực hiện dự án, nguồn cung sẽ ít đi, giá bất động sản sẽ càng tăng và gây khó khăn cho thị trường”.
Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế chớm hồi phục, thị trường bất động sản đang lấy đà để tăng tốc, những vướng mắc của chính sách pháp luật cùng nguồn vốn tín dụng bị hạn chế, siết chặt đã tạo nên hai gọng kìm lớn cho thị trường bất động sản. Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà những doanh nghiệp lớn cũng e ngại khi tham gia thị trường, các dự án khó triển khai, nguồn lực đất đai không được khơi thông, dẫn đến nguồn cung hạn chế, giá bất động sản tăng cao.
Đặc biệt, bất động sản là lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, các doanh nghiệp bất động sản là những doanh nghiệp chủ chốt của thị trường. Do đó, khi việc huy động vốn khó khăn, sẽ kéo theo cả thị trường bất động sản cũng như một phần của nền kinh tế chịu những "tổn thương".
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đưa ra lời khuyên, bên cạnh việc ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vốn vay thì các doanh nghiệp cũng cần phải sáng tạo hơn trong việc huy động nguồn vốn từ nhiều kênh khác nhau. Bởi, khi đảm bảo được nhiều kênh huy động vốn sẽ giúp các doanh nghiệp bớt phụ thuộc vốn vay ngân hàng, duy trì được dòng tiền ổn định.
Có thể thấy, từ vị trí, vai trò của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế, các chuyên gia đều cho rằng, việc khơi thông mọi nguồn lực, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp bất động sản phát triển một cách lành mạnh và bền vững là hết sức cần thiết. Trong đó, việc duy trì, cải thiện và khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản cần là một trong những chính sách ưu tiên ở hiện tại cũng như trong thời gian tới./.
Xem thêm: lmth.84511000042210202-nit-mein-ort-oh-iog-al-yan-neih-tahn-nol-et-hnik-ort-oh-iog/nv.semitaer