Một báo cáo mới từ eBay đã nêu bật cách người bán và người mua thuộc thế hệ trẻ hơn đang áp dụng mô hình thương mại lại hay thương mại ngược (resale). Gen Z, thế hệ sinh ra từ 1997 - 2012 đang thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng trong việc sở hữu những món đồ đã qua sử dụng. Điều này tạo cơ hội kinh doanh cho chính họ cũng như góp phần hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả chúng ta.
Được công bố ngày 25/4, báo cáo hàng năm thứ hai của eBay về thương mại lại nhấn mạnh rằng người tiêu dùng trẻ tuổi là lực lượng mới nổi chính trên thị trường đồ cũ với 80% số lượng đồ đã qua sử dụng được mua bởi thế hệ Z. Bên cạnh đó, cứ khoảng 1 trong số 3 người thuộc thế hệ Z bắt đầu hoạt động bán lại vào năm ngoái, chiếm tỷ lệ lớn nhất, 32%, trong số những người bắt đầu hoạt động kinh doanh đồ cũ vào năm đó.
“Trao quyền cho mọi người và tạo cơ hội kinh doanh cho tất cả mọi người là trọng tâm của những gì chúng tôi làm tại eBay và hiệu ứng gợn sóng trong hoạt động của chúng tôi tạo ra làn sóng thay đổi,” Giám đốc điều hành eBay Jamie Iannone cho biết. “Thị trường của chúng tôi cho phép mọi người khám phá lại giá trị của những món đồ đã qua sử dụng qua đó đóng góp vào một tương lai thịnh vượng hơn, bền vững hơn cho tất cả mọi người.”
Sau những thay đổi địa chấn do đại dịch Covid gây ra và khi người tiêu dùng bắt đầu lại thói quen mua hàng, sức hấp dẫn của thị trường đồ cũ đã tăng lên đáng kể. Sự xuất hiện của các trang web resale như Depop và Vinted với ưu điểm dễ sử dụng nhằm mục tiêu khuyến khích người bán mới tham gia thị trường.
Nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ đã tập trung vào các cơ hội của thị trường resale để củng cố yếu tố bền vững và duy trì tính phù hợp của thời trang. ReSellfridges, của Selfridges, khuyến khích khách hàng bán hàng trên nền tảng của mình để quy đổi ra phiếu đổi hàng mà có thể được sử dụng để mua những sản phẩm thuộc thương hiệu cao cấp của công ty.
Số liệu từ Thredup - sàn giao dịch sản phẩm thời trang secondhand lớn nhất thế giới cho thấy trong 10 năm tới thị trường resale sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn so với bán lẻ truyền thống. Thredup cũng dự đoán rằng thị trường quần áo cũ có thể lớn gấp đôi thị trường “thời trang nhanh” vào năm 2030.
Theo báo cáo toàn cầu do Thredup thực hiện với sự phân tích của công ty nghiên cứu thị trường GlobalData, thị trường resale đang phát triển với tốc độ nhanh hơn 11 lần so với bán lẻ truyền thống. Nó sẽ có giá trị 84 tỷ đô la vào năm 2030, với giá trị của thời trang nhanh được dự đoán là khoảng 40 tỷ đô la.
Khi người tiêu dùng ngày nay ngày càng quan tâm đến tác động của thói quen mua sắm của họ và hiểu được thực tế của ngành sản xuất thời trang, thì động thái chuyển sang thị trường resale như một cách để hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn. Trong nghiên cứu của eBay, khoảng 20% người được khảo sát cho biết rằng lý do thúc đẩy họ mua hàng sở hữu trước để tránh lãng phí quần áo. Đồng thời, 52% phụ nữ được hỏi trong nghiên cứu toàn cầu cho biết kiếm thêm tiền là trọng tâm chính của họ khi bán các món đồ đã qua sử dụng.
Khả năng chi trả cho món đồ thời trang có giá trị bền vững có thể là một thách thức đối với các thế hệ bị tác động bởi mức giá thấp của thời trang nhanh. Báo cáo về tính bền vững của ngành Bán lẻ Thời trang chỉ ra rằng chưa đến một phần ba người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Lựa chọn mua và bán đồ cũ cho phép người tiêu dùng cập nhật tủ quần áo của họ một cách dễ dàng mà vẫn góp phần bảo vệ môi trường.
Nguồn: Forbes
http://tintuc.vdong.vn/05/1334447.htmTrang Nguyễn
Theo Forbes