Kim Beom Su, nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin KakaoTalk, lần đầu tiên đứng đầu danh sách người giàu nhất Hàn Quốc của Forbes, với khối tài sản ròng trị giá 9,6 tỷ USD (hơn 220 nghìn tỷ đồng). Năm 2021, Forbes xếp hạng Kim Beom Su ở vị trí thứ 4. Tuy nhiên, đây là năm thứ 2 ông giữ vị trí người giàu nhất Hàn Quốc.
Theo số liệu của Bloomberg, chỉ tính riêng năm 2021, tài sản của Kim Beom Su đã tăng 6 tỷ USD (hơn 137 nghìn tỷ đồng), khi cổ phiếu của KakaoTalk tăng 91% nhờ niêm yết trên thị trường chứng khoán và kế hoạch ra mắt một số công ty con.
Bloomberg cho rằng Kim Beom Su là ví dụ về việc các doanh nhân công nghệ tự lập đang leo lên danh sách siêu giàu ở Hàn Quốc, vượt qua các tập đoàn do gia đình sở hữu (chaebols).
Năm 2021, ông đã ký The Giving People, lời hứa cống hiến phần lớn tài sản cho các hoạt động từ thiện từ những cá nhân giàu có nhất thế giới. Theo Korea JoongAng Daily, ông đã nói rằng khoản quyên góp nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt trong giáo dục.
Lớn lên trong gia đình đông con, nghèo khó
Thật khó để tưởng tượng về cuộc sống của Kim Beom Su trước khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, gia đình của tỷ phú tự thân người Hàn Quốc từng chen chúc trong một căn phòng tồi tàn ở khu phố nghèo của Seoul. Ông là người con thứ 3 trong gia đình 5 người con và là con trai cả.
Cha mẹ Kim Beom Su khi đó phải bươn chải kiếm sống. Cha ông là công nhân trong nhà máy sản xuất bút còn mẹ làm giúp việc khách sạn. Khi cha mẹ đi làm, bà của Kim Beom Su là người chăm nom, nuôi dưỡng.
Sự vất vả khiến Kim Beom Su trở nên vô cùng quyết tâm. Ông là người đầu tiên trong gia đình vào đại học. Kim Beom Su đã đi dạy thêm để có tiền đóng học phí. Đôi khi, ông bỏ bữa để tiết kiệm. Kim Beom Su có tốt nghiệp cử nhân kỹ thuật và có bằng Thạc sĩ, đều của Đại học Quốc gia Seoul.
Tỷ phú tự thân Kim Beom Su. Ảnh: Businesskorea.
Những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp
Tỷ phú tự thân bắt đầu sự nghiệp với tư cách là kỹ sư phần mềm tại Samsung SDS, đơn vị dịch vụ CNTT của công ty.
Tuy nhiên, ông đã rời đi sau 5 năm để mở quán cà phê Internet và phát triển cổng trò chơi trực tuyến Hangame Communications. Kim Beoom Su đã sử dụng số vốn hơn 4,2 tỷ đồng, đến từ gia đình và bạn bè.
Chia sẻ với Financial Times, Kim Beom Su nói đùa rằng nếu thời ông có những trò chơi điện tử như bây giờ, cuộc đời ông có thể đã tồi tệ. Ông thừa nhận bản thân là game thủ hạng nặng, thích chơi các trò chơi trực tuyến cùng vợ và hai con khi rảnh rỗi.
Hangame sau đó được sáp nhập với công cụ tìm kiếm Naver, trở thành cổng thông tin điện tử lớn nhất Hàn Quốc - NHN.
"Những ngày đầu, tôi làm việc cả ngày lẫn đêm với tư cách là một doanh nhân và một lập trình viên. Sau đó, tôi đến một phòng tắm hơi vào lúc bình minh và bật khóc. Tôi rất tự hào về việc lãnh đạo công việc kinh doanh của chính mình. Song tôi cũng sợ rằng không trả được lương cho nhân viên của mình", Kim Beom Su giãi bày.
Lãnh đạo NHN 5 năm, Kim Beom Su chuyển đến Thung lũng Silicon (California, Mỹ) vào năm 2005 để mở rộng sự hiện diện của công ty tại Mỹ. Mọi việc trở nên khó khăn hơn dự kiến. Kim Beom Su rời NHN để thực hiện công việc kinh doanh khác. Một năm sau, Kim Beom Su thành lập IWILAB, vườn ươm dành cho các doanh nhân Hàn Quốc ở Mountain View.
Ảnh: Forbes.
Thành lập ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất đất nước
Năm 2007, chiếc iPhone đầu tiên được trình làng. Kim Beom Su khi đó đang ở California, bị mê hoặc bởi điện thoại thông minh. Ông đã tậu về 4 chiếc cho gia đình. "Tôi có thể cảm nhận và nhìn thấy tiềm năng vô hạn của iPhone", Kim Beom Su nói.
Ông và các nhân viên của IWILAB (hiện là Kakao) đã phát triển các ứng dụng nhắn tin cho sản phẩm di động mới. Họ tin rằng điện thoại thông minh chủ yếu sẽ được sử dụng với vai trò là "phương tiện liên lạc".
Kim Beom Su thành lập ứng dụng di động thống trị đất nước, Kakao Talk, vào năm 2010. Ngay lập tức, nó đứng đầu bảng xếp hạng App Store của đất nước, với một triệu người dùng vào tháng 9. KakaoTalk sớm trở thành rào cản lớn, ngay cả với các đối thủ trong nước như Naver Talk và một ứng dụng Samsung được cài đặt sẵn trên tất cả điện thoại Galaxy.
Kể từ đó, công ty đã mở rộng sang các dịch vụ tài chính dựa trên di động, cũng như gọi taxi và giải trí.
Dịch vụ nhắn tin miễn phí này đã thay thế hiệu quả việc nhắn tin SMS, làm thay đổi cách giao tiếp của mọi người ở Hàn Quốc. Bởi khi đó, không chỉ người dân Hàn Quốc mà nhiều quốc gia khác phải trả tiền mới có thể gửi đi tin nhắn.
Kim Beom Ssu với Ryan, một trong những nhân vật của KakaoTalk. Ảnh: @ LiryOnni.
Hiện tại, Kakao là một trong những tập đoàn kinh doanh lớn nhất ở Hàn Quốc với vốn hóa thị trường là 34 tỷ USD (hơn 780 nghìn tỷ đồng), bên cạnh chaebols như Samsung, Hyundai, SK và LG.
Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu IHS Markit, cho biết: "Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự mở rộng của Kakao do nhu cầu về các dịch vụ trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng".
Ứng dụng này cũng được sử dụng bởi 93% chủ sở hữu điện thoại thông minh ở xứ sở kim chi và được sử dụng ở hơn 130 quốc gia.
Tại Kakao, các nhân viên gọi Kim Beom Su bằng biệt danh tiếng Anh là Brian. Đổi lại, họ cũng được biết đến với biệt danh tiếng Anh riêng. Đây là cách Kim Beom Su phá bỏ văn hóa doanh nghiệp phân cấp của đất nước, trong đó các nhân viên chỉ gọi đồng nghiệp cấp cao bằng chức danh chứ không bao giờ gọi tên.
Theo tờ Korea Times, Kim Beom Su đã thuê con trai Kim Sang Bin và con gái Kim Ye Bin làm việc cho K Cube Holdings, công ty mẹ của Kakao, vào năm 2020. Những người trong cuộc coi động thái này như một biện pháp đảm bảo sự kế vị suôn sẻ. Ông cũng cho vợ và hai con của mình 60.000 cổ phiếu Kakao, mỗi người trị giá hơn 20 triệu USD (gần 460 tỷ đồng).
Theo SCMP
https://cafef.vn/ong-chu-kakaotalk-lan-dau-dung-top-nguoi-giau-nhat-han-quoc-cua-forbes-tu-cau-be-ngheo-kho-nhin-doi-de-tiet-kiem-den-khoi-tai-san-nghin-ty-dong-20220503161045426.chnTheo Lam Phương
Nhịp Sống Kinh tế