Anh Trần Tùng và hành trình làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau khi đóng BHXH - Ảnh: HÀ QUÂN
Nhiễm COVID-19 nhưng nhiều người lao động không thể hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) do khai báo lệch ngày vì phải cách ly.
Một số khác có đầy đủ hồ sơ cũng rơi vào cảnh tương tự vì giấy tờ được cấp không đúng quy định của thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành luật BHXH.
Điệp khúc ‘chờ đợi’
Mắc COVID-19 từ ngày 10-2, anh Trần Tùng (giáo viên ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều lần đến trạm y tế để hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ BHXH. Dù có đầy đủ quyết định cách ly, giấy xác nhận khỏi bệnh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, anh Tùng vẫn phải ra về do giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH không đúng quy định.
Anh Tùng mắc COVID-19 từ ngày 10-2 đến ngày 16-2, tuy nhiên dịch bệnh có diễn biến phức tạp ở Hà Nội nên ngày 18-3 anh mới đến trạm y tế để xin xác nhận nên thời gian trên giấy xác nhận không trùng với thời điểm cách ly.
Hơn 2 tháng qua, anh Tùng nhiều lần xin nghỉ làm để đi làm hồ sơ nhưng đều nhận được câu trả lời "chờ hướng dẫn mới". Trong hồ sơ, cơ quan BHXH cũng nêu rõ lý do trả lại hồ sơ là "chứng nhận hưởng BHXH không đúng quy định tại thông tư 56".
Không chỉ có anh Tùng, còn có nhiều người cùng trường hợp anh không nhận được tiền do sai lệch ngày cấp giấy. Hai trường hợp "may mắn" được BHXH chi trả là khi mắc COVID-19 từ ngày 12-3 đến 21-3. Chị Thùy Linh (32 tuổi, quận Đống Đa) cũng không xin được giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do cách ly 7 ngày mới báo cho nhân viên y tế mở cổng khai báo thông tin.
Tại Trạm y tế phường Trung Liệt (quận Đống Đa), một nhân viên y tế cho biết từ ngày 24-3 đến nay, BHXH TP Hà Nội yêu cầu chỉ cấp giấy chứng nhận cho người mới mắc COVID-19 và không cấp lại cho người khỏi bệnh.
"Rất bất cập, người dân đi lại rất khó khăn, có người đi xin lại rất khổ. Có người đi xin lại giấy vài ngày. Khi đầy đủ hồ sơ thì không được thanh toán khiến mọi người hiểu lầm do trạm y tế gây khó dễ", một nhân viên y tế nói.
Đại diện Trạm y tế phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cho biết: "Khi nhận được thông tin ca COVID-19 mới, nhân viên y tế sẽ yêu cầu F0 gửi CCCD hoặc CMND, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Sau khi nhận thông tin ca COVID-19 mới, chúng tôi sẽ chuyển sang cho UBND để đơn vị phân công nhập lên cổng BHYT xác nhận F0. Công việc này đã được thực hiện ngay từ những ngày đầu dịch, vậy nên khi ca bệnh tăng cao, việc này cũng không bị gián đoạn".
Ở Trạm y tế phường Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), nhiều trường hợp F0 không được thanh toán BHXH do thông báo mắc COVID-19 sai lệch 1, 2 ngày. Nhiều nhân viên y tế không được giải quyết do "không đúng quy định của thông tư 56".
Nhân viên y tế tại Hà Nội căng mình cập nhật và hỗ trợ các F0 - Ảnh: NAM TRẦN
Chờ Bộ Y tế quyết định?
Bà Đinh Thị Thu Hiền - phó ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam - cho biết việc chi trả chế độ ốm đau BHXH thực hiện theo quy trình từ thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH.
Thông tư 56 quy định thời điểm người nhận giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cần được cấp luôn trong ngày nhưng do COVID-19 là bệnh truyền nhiễm, nhiều ngày sau người dân mới trở lại đăng ký giấy tờ nên không được duyệt hồ sơ. Việc này vừa khiến dữ liệu trong hệ thống sai lệch vừa trái với thông tư 56.
Dẫn lại thông tư 56, vị này cho biết có 2 loại giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, chứ không có quyết định cách ly hay giấy tờ khác, do đó BHXH không thể làm thủ tục hưởng chế độ cho người lao động nếu hồ sơ không phù hợp.
Theo bà Hiền, Bộ Y tế đã báo cáo rõ Chính phủ ban hành hoặc giao quyền cho Bộ Y tế quyết định. Tuy nhiên, việc sửa đổi thông tư 56 ra sao, thời điểm nào ban hành thì chưa rõ. "Việc đồng ý giấy tờ nào thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế", bà Hiền nói.
"Theo tôi, cần thiết sửa đổi thông tư 56, bởi giấy ra viện, giấy chứng nhận hưởng BHXH cấp khi vào bệnh viện thì mới hợp lệ cùng với đăng ký trên cổng thông tin giám định. Đó là một quy trình khám chữa bệnh chung của Bộ Y tế", bà Hiền nêu.
Bà Đinh Thị Thu Hiền - phó ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đơn vị đang xem xét, thực hiện các giấy tờ liên quan để trình cấp có thẩm quyền. Hướng giải quyết là Quốc hội có nghị quyết về vấn đề BHXH cho F0 điều trị tại nhà.
Trong tháng 4, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ quyết định cách ly tại nhà và giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly đều do chính quyền địa phương cấp để giải quyết chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0.
Gần 1.000 tỉ đồng chi trả cho F0 ốm đau do mắc COVID-19
Theo BHXH Việt Nam, trong quý 1-2022, có 648.012 lượt người hưởng chế độ ốm đau do mắc COVID-19 với số tiền hơn 987 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng số tiền chi trả đối với chế độ ốm đau.
Số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau trong quý tăng tới 124%, số tiền chi trả tăng khoảng 300% so với cùng kỳ năm 2021. Mức hưởng bình quân một người bị ốm đau do mắc COVID-19 là hơn 1,5 triệu đồng, trong khi thời gian hưởng bình quân là 8,5 ngày.
TTO - Đây là một trong những giải pháp được Sở Y tế TP Đà Nẵng đề xuất để thực hiện cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, nhằm hạn chế tình trạng tập trung đông người như thời gian vừa qua.
Xem thêm: mth.45643631140502202-91-divoc-cam-ihk-hxhb-gnouh-cut-uht-iv-iort-uek-gnod-oal-iougn/nv.ertiout