FED đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ
Ngày 4/5 theo giờ Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm %, nhằm ứng phó với tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Động thái này cũng đánh dấu bước nâng lãi suất mạnh nhất trong vòng 22 năm qua của FED.
Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % lên phạm vi mục tiêu 0,75% đến 1%. Trong phiên họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell nhận định: "Lạm phát đang quá cao và chúng tôi hiểu những khó khăn mà lạm phát gây ra. Do đó, chúng tôi đang hành động khẩn trương để kìm hãm lạm phát".
Chủ tịch FED Jerome Powell cam kết khẩn trương hành động để kìm hãm lạm phát (Nguồn: CNBC)
Bên cạnh đó, ông Powell cũng cho biết thêm, "quan điểm chung của Ủy ban là có thể tiếp tục nâng lãi suất 50 điểm cơ bản tại các cuộc họp kế tiếp", đồng thời cho biết hiện FED chưa cân nhắc nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % trong thời gian tới. Mục tiêu của FED là tạo một "cú hạ cánh mềm", kiềm chế lạm phát trong khi tránh sự suy giảm của hoạt động kinh tế, và ông Powell cho rằng điều này là khả dĩ.
Cùng với động thái nâng lãi suất, FED còn báo hiệu sẽ giảm bớt quy mô của bảng cân đối kế toán hiện ở mức 9 nghìn tỷ USD. Các kế hoạch được công bố cho thấy, quá trình giảm quy mô của bảng cân đối kế toán sẽ diễn ra qua nhiều giai đoạn, theo đó mỗi tháng, FED sẽ cho phép một lượng trái phiếu đến hạn mà không tái đầu tư.
Ngay sau khi các tuyên bố của FED được đưa ra, thị trường chứng khoán Phố Wall đã phản ứng tích cực với cả 3 chỉ số chính đều đồng loạt tăng điểm mạnh. Chỉ số công nghệ Nasdaq dẫn đầu đà tăng của thị trường với mức tăng 3,19% trong khi các chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng bật tăng gần 3%. Tâm lý căng thẳng của giới đầu tư đã được hạ nhiệt đáng kể, khi các tuyên bố mới nhất của ông Powell cho thấy, FED sẽ có thái độ bớt cứng rắn hơn trong thời gian tới trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tác động sâu rộng tới nền kinh tế Mỹ
Theo các chuyên gia, việc FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ tạo ra những tác động lan tỏa trong toàn nền kinh tế Mỹ.
Đầu tiên là chi phí trả nợ cao hơn. Khi lãi suất tăng, người đi vay phải trả nhiều tiền hơn để thanh toán khoản tín dụng và các ngân hàng trở nên khắt khe hơn trong việc cung cấp khoản vay. Điều này đặt ra thách thức cho các công ty và làm chậm quá trình mở rộng kinh doanh sản xuất.
Thị trường tài chính Mỹ sẽ đối mặt nhiều áp lực khi FED nâng lãi suất (Nguồn: CNN)
Thứ hai là áp lực đối với thị trường tài chính. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm trong những tuần gần đây, do lo ngại tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại có nghĩa là người tiêu dùng sẽ giữ tiền mặt thay vì chi tiêu nhiều hơn, làm giảm thu nhập doanh nghiệp trong khi chi phí đi vay lại tăng lên. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng mạnh, với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 3%, báo hiệu những lo ngại của giới đầu tư về nguy cơ suy thoái có thể xảy ra. Những lo ngại đó có thể tăng lên nếu các nhà đầu tư cho rằng FED vẫn chưa hành động đủ nhanh và mạnh trong cuộc chiến chống lạm phát và sẽ phải tăng lãi suất nhanh hơn.
Việc FED nâng lãi suất được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt thị trường bất động sản tại Mỹ (Nguồn: CNN)
Thị trường bất động sản cũng được dự báo sẽ hạ nhiệt. Việc FED giảm lãi suất xuống 0 khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020 đã tiếp thêm động lực cho thị trường nhà ở vốn đang phát triển mạnh của Mỹ, khiến giá nhà tăng vọt. Tuy nhiên, đến tháng 3/2022, sau đợt tăng lãi suất lần đầu tiên trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ của FED, lãi suất thế chấp đã bắt đầu tăng và hiện đã lên hơn 5%, góp phần làm giảm nhu cầu và hạ nhiệt giá nhà. Các đơn đăng ký vay thế chấp nhà ở đã tăng chậm lại và doanh số bán nhà bắt đầu giảm trong tháng Ba.
Nỗi lo suy thoái khi FED thắt chặt chính sách
Thách thức lớn đối với giới hoạch định chính sách FED là giải quyết áp lực giá cả tăng mà không đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Mặc dù nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, nước này ghi nhận tăng trưởng -1,4% trong ba tháng đầu năm. Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý II, nước này sẽ chính thức rơi vào suy thoái.
Theo các nhà phân tích, rất khó tránh được nguy cơ suy thoái trong một chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, đặc biệt là khi lạm phát tăng một phần là do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của FED, chẳng hạn như cuộc xung đột ở Ukraine và biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc Chuyên gia phân tích Diane Swonk của công ty kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton cho biết: "Nhiều quan chức FED đã bày tỏ sự hoài nghi của họ về triển vọng ‘hạ cánh mềm’ của đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ này."
Giới chuyên gia lo ngại nguy cơ suy thoái khi FED thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa (Nguồn: Financial Times)
"Ở thời điểm hiện tại, một cuộc suy thoái kinh tế gần như là không tránh khỏi", cựu Phó chủ tịch FED Roger Ferguson nhận định ngày 2/5. "Suy thoái đang âm ỉ hình thành, và khả năng xuất hiện suy thoái – theo quan điểm của tôi – là rất, rất cao vì công cụ của FED là một công cụ thô và tất cả những gì mà họ có thể kiểm soát là tổng cầu trong nền kinh tế". Ông Ferguson dự báo suy thoái sẽ xảy ra vào năm 2023, nhưng hy vọng "đó sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ".
"FED phải nâng lãi suất đủ cao để giữ được uy tín và bắt đầu cắt giảm bảng cân đối kế toán. Nhưng FED sẽ phải chấp nhận một cuộc suy thoái kinh tế đi kèm", CEO Danielle DiMartino Booth của Quill Intelligence nhận định. "Đó sẽ là một thông điệp cực kỳ khó để truyền tải".
Chuyên gia Kathy Bostjancic của công ty tư vấn tài chính Oxford Economics đánh giá, hiện tại các tín hiệu cho thấy "khả năng suy thoái tương đối thấp" nhưng rủi ro sẽ gia tăng trong 12 tháng tới", đặc biệt là nếu các yếu tố thúc đẩy lạm phát trở nên trầm trọng hơn.
Trong một dự báo mới đây, ngân hàng Deutsche Bank (Đức) đánh giá rủi ro "suy thoái đáng kể" sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 – hệ quả từ việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để ứng phó với mức lạm phát cao kỷ lục. Còn theo Goldman Sachs, khả năng nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng âm trong vòng một năm tới là khoảng 35%.
Tác động lan rộng với kinh tế toàn cầu
Không chỉ tác động tới nền kinh tế Mỹ, các động thái của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.
Một trong những tác động đáng chú ý hơn cả là xu hướng thoái vốn từ các nền kinh tế mới nổi. Khi lãi suất tăng ở Mỹ hoặc các nền kinh tế tiên tiến khác, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền ra khỏi các thị trường mới nổi và chuyển về Mỹ để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Điều đó sẽ gây áp lực lên các nền kinh tế cần vốn để đầu tư, đồng thời làm suy yếu đồng nội tệ. Một ví dụ đáng chú ý là tại Trung Quốc – nơi ngân hàng trung ương đang có xu hướng nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng, thị trường vốn đang phải đối mặt với làn sóng thoái vốn cao kỷ lục trong tháng 4. Bên cạnh những rủi ro địa chính trị, việc FED nâng lãi suất được coi là một trong những yếu tố thúc đẩy làn sóng này.
Để ứng phó với nguy cơ thoái vốn, các ngân hàng trung ương ở những thị trường mới nổi có thể ứng phó bằng cách nâng lãi suất cao hơn. Trên thực tế, ngay sau khi FED nâng lãi suất, ngân hàng trung ương các nước Vùng Vịnh đã đồng loạt tiến hành động thái tương tự. Reuters cho biết, tại các quốc gia có đồng nội tệ neo tỷ giá theo đồng USD như Arập Xêút, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Qatar và Bahrain, lãi suất cơ bản đã được nâng thêm 0,5 điểm %. Còn tại Kuwait – nơi đồng nội tệ được neo tỷ giá theo một nhóm vài loại tiền tệ, lãi suất cũng được nâng thêm 0,25 điểm %. Tuy nhiên, điều này đồng thời cũng sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế của các quốc gia.
Ngay sau động thái của FED, Ngân hàng Trung ương Kuwait đã tiến hành nâng lãi suất thêm 0,25 điểm % (Nguồn: Reuters)
Một tác động đáng chú ý khác là sự gia tăng áp lực đối với các quốc gia có mức nợ công cao. Vào đầu những năm 1980, FED từng tăng lãi suất đáng kể nhằm kiềm chế lạm phát. Với các nền kinh tế nghèo, vốn đã có những khoản vay nặng lãi trong những năm trước đó, việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD mạnh lên sau đó là quá sức chịu đựng, dẫn đến làn sóng nợ và khủng hoảng ngân hàng.
Một kịch bản tương tự được dự báo có thể tái diễn, trong bối cảnh tỷ trọng cả nợ công và nợ tư nhân so với GDP của các nước mới nổi tăng đều đặn trong những năm 2010, và tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Tỷ lệ nợ công ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình hiện đang ở mức cao kỷ lục và tình trạng nợ nần ở các nước nghèo nhất đã tăng theo mức tương tự những năm 1990.
Việc FED nâng lãi suất được dự báo sẽ gia tăng áp lực đối với các quốc gia mới nổi có mức nợ công cao (Nguồn: Reuters)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nhiều quốc gia sẽ cần được giảm nợ hoặc tái cơ cấu nợ sau khi nợ công tăng cao trong đại dịch COVID-19. Cũng theo IMF, tỷ lệ các nước phát hành trái phiếu gặp khó khăn trong thanh toán đã tăng hơn gấp đôi, với những quốc gia như Ukraine, Ai Cập và Ghana. Nhiều quốc gia bị dự báo có thể sẽ nối gót Sri Lanka, quốc gia đã vỡ nợ hôm 12/4.
Nguồn: CNBC, Economist, CNN Business, Reuters, Bloomberg, AFP, WSJ
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.80661914150502202-et-neit-hcas-hnihc-tahc-taht-def-ceiv-ut-gnod-cat-gnuhn/et-hnik/nv.vtv