Du lịch hồi sinh nhờ khách nội
Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, trong bốn ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ước có hơn 254.000 lượt khách đến TP.Đà Nẵng, trong đó có khoảng 7.400 lượt khách quốc tế.
Ở tỉnh Quảng Nam, dịp này, có khoảng 50.000 lượt khách lưu trú, trong đó có 3.200 lượt khách quốc tế. Bà Phạm Thị Linh Chi - Chủ tịch Chi hội Villas và Homestay tỉnh Quảng Nam - cho hay: “Du khách có xu hướng đặt phòng lưu trú dài ngày hơn so với năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát. Việc có khách lẻ quốc tế đặt dịch vụ trở lại đang thúc đẩy các chủ dịch vụ ở TP.Hội An cải tạo, nâng cấp cơ sở lưu trú để sẵn sàng tiếp nhận lượng khách quốc tế lớn hơn”.
Sở Du lịch TP.Đà Nẵng đón chuyến bay đầu tiên chở khách du lịch từ Hàn Quốc trở lại thành phố này sau hai năm dịch bệnh - ẢNH: ĐÌNH DŨNG |
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương (Indochina Unique Tourist) - cho biết, Việt Nam mở cửa du lịch từ ngày 15/3 nhưng đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn rất ít. Indochina Unique Tourist mới chỉ đón bốn đoàn khách quốc tế, trong đó có một vài đoàn khách dự SEA Games 31. Phần lớn khách quốc tế đến từ Thái Lan.
“Theo tôi, ít nhất phải đến trước lễ Giáng sinh, lượng khách du lịch quốc tế mới tăng mạnh. Các biện pháp phòng, chống dịch của các nước vừa mới được nới lỏng nên cần có thời gian để du khách chuẩn bị” - ông nhận định.
Cần định hình lại chiến lược đón khách quốc tế
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, cảnh quan thiên nhiên, các sản phẩm du lịch của Việt Nam đủ sức cạnh tranh với Thái Lan, Singapore, nhưng để thu hút khách quốc tế mạnh mẽ hơn, cần quảng bá mạnh ra thế giới. Điều này cần tới vai trò của Nhà nước.
Bên cạnh đó, tính liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch còn rất yếu. Đơn cử, ở miền Trung, địa phương nào cũng có điểm mạnh nhưng vẫn làm du lịch kiểu “mạnh ai nấy làm”. Người nước ngoài nhìn cả miền Trung như một điểm du lịch, họ đi để trải nghiệm cả một dọc di sản đó chứ không quan tâm địa giới hành chính. Văn bản liên kết có đủ, nhưng ký xong thì xem như xong. Việc định vị sản phẩm của từng địa phương để không trùng lặp chưa rõ ràng. Địa phương này cứ sao chép tinh thần, hoạt động văn hóa của địa phương khác, thấy địa phương nào làm hay cũng mang về địa phương mình làm.
Ông Nguyễn Sơn Thủy nêu ví dụ, thấy địa phương kia có chợ đêm, địa phương này cũng về làm chợ đêm. Gần đây, khi tỉnh Quảng Nam khởi xướng du lịch xanh, các địa phương khác cũng chủ trương phát triển du lịch xanh. Do đó, sản phẩm của các địa phương na ná nhau, thành sản phẩm đại trà, không độc đáo.
Theo ông, thay vì vậy, các địa phương nên tập trung vào sản phẩm bản sắc riêng của mình. Chẳng hạn như, TP.Huế có chủ trương định vị du lịch là kinh đô của áo dài và ẩm thực thế giới thì nên tập trung kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ẩm thực cung đình hay áo dài Huế. Hoặc như TP.Đà Nẵng chuyên về thành phố sự kiện, thành phố pháo hoa, thành phố năng động, hiện đại thì nên tập trung phát triển mạnh nội dung này.
Ngoài ra, việc phát triển du lịch “nóng” như những năm trước đại dịch đã tạo ra “xung đột” giữa những thị trường khách khác nhau. Ví dụ ở đâu đông du khách bình dân, ồn ào thì khách cao cấp sẽ ngại đến. Vì vậy theo ông Nguyễn Sơn Thủy, nên có quy hoạch bài bản. Ví dụ như ở Thái Lan, khách đến Phukhet là dòng cao cấp, còn khách ồn ào, đi đại trà thì họ xếp tour đến Pattaya… Vì vậy, mỗi năm, Thái Lan thu hút 38 triệu lượt khách, gấp đôi, gấp ba Việt Nam nhưng du khách rất hài lòng về điểm đến và lượng khách quay trở lại rất nhiều.
“Phải giải quyết sớm, nếu không, tình trạng xung đột sẽ lặp lại. Cần điều tiết các thị trường khách bằng chính sách bán vé giờ cao điểm, giúp giảm áp lực cho hạ tầng di sản; phân vùng thị trường khách, thị trường khách nào thích ăn uống ồn ào thì quy hoạch khu vực riêng cho phù hợp; còn khách châu Âu, châu Mỹ thì có khu vực tĩnh lặng dành cho họ” - ông Nguyễn Sơn Thủy đề xuất.
Lê Đình Dũng
Xem thêm: lmth.4992641a-ol-auv-gnum-auv-iaogn-hcahk-ti-ion-hcahk-ueihn/nv.moc.enilnounuhp.www