Peter Andreas Thiel được biết đến là tỷ phú doanh nhân người Mỹ gốc Đức, nhà đầu tư mạo hiểm. "Ông trùm của Thung lũng Silicon" đã đạt được danh tiếng và tài sản kếch xù nhờ việc trở thành nhà đồng sáng lập công ty công nghệ tài chính Paypal vào năm 1998. Sau đó, ông đã tận dụng thành công này bằng cách thành lập một số công ty đầu tư mạo hiểm khác cũng như các công ty phân tích dữ liệu lớn.
Hiện, người đàn ông này hữu khối tài sản trị giá hơn 112 nghìn tỷ đồng.
Tỷ phú Peter Thiel. Ảnh: Carolyn Kaster.
Sớm bộc lộ tài năng khi còn trẻ, từng là kiện tướng cờ vua
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Peter Thiel là học sinh xuất sắc trong môn toán, từng đứng đầu trong cuộc thi toán học California mở rộng.
Ông tốt nghiệp ngành Triết học tại Đại học Stanford năm 1989 và có bằng Tiến sĩ Luật vào năm 1992 tại Trường Luật Stanford. Ngay trong lúc học tại Stanford, Peter Thiel đồng sáng lập và đảm nhận vai trò tổng biên tập của The Stanford Review vào năm 1987.
Peter Thiel còn là kiện tướng cờ vua. Ông bắt đầu chơi cờ năm 6 tuổi và từng trở thành một trong những kỳ thủ dưới 21 tuổi có xếp hạng cao nhất của Mỹ. Peter Thiel giữ danh hiệu Life Master - danh hiệu do Liên đoàn Cờ vua Mỹ (USCF) trao tặng. Để được trao danh hiệu này, người chơi phải có xếp hạng master trên 2200 với ít nhất 300 ván cờ giải đấu được USCF xếp hạng.
Sau này, Peter Thiel đã áp dụng chiến lược cờ vua cổ điển để kinh doanh, xây dựng khối tài sản nghìn tỷ đồng.
Peter Thiel từng là một trong những kỳ thủ trẻ mạnh nhất của Mỹ. Ảnh: Yahoo Finance.
Từng nghỉ việc luật sư vì muốn tìm kiếm giá trị siêu việt
Peter Thiel đã tạo ra di sản lẫy lừng trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới. Tuy nhiên, doanh nhân người Mỹ gốc Đức đã khám phá nhiều con đường sự nghiệp khác nhau trước khi trở thành tỷ phú.
Sau khi tốt nghiệp trường Luật Stanford, Peter Thiel bắt đầu công việc thư ký cho Thẩm phán cấp cao James Larry Edmondson của Tòa án phúc thẩm Mỹ. Công việc tiếp theo của Peter Thiel là luật sư chứng khoán cho công ty luật đa quốc gia danh tiếng Sullivan & Cromwell. Ông rời vị trí này sau hơn 7 tháng làm việc, với lý do công việc thiếu giá trị siêu việt.
Peter Thiel nhận công việc là nhà giao dịch phái sinh trong các quyền chọn tiền tệ tại ngân hàng đầu tư toàn cầu Credit Suisse vào năm 1993. Thậm chí, ông còn là người viết bài phát biểu cho cựu Bộ trưởng Giáo dục Mỹ William Bennett, trước khi đến California năm 1996 để tìm kiếm công việc ý nghĩa hơn.
Con mắt tinh tường về tiềm năng cũng như tư duy sáng tạo của Peter Thiel đã đóng vai trò lớn trong việc thành lập công ty kinh doanh của riêng ông.
Khi đến Bay Area (California), Peter Thiel đã nắm bắt được sự phát triển của Internet và máy tính cá nhân. Với sự hỗ trợ tài chính từ bạn bè và gia đình, ông đã huy động được một triệu USD (gần 23 tỷ đồng) để thành lập Thiel Capital Management và bắt tay vào sự nghiệp đầu tư mạo hiểm.
Ban đầu, Peter Thiel đã mất 100.000 USD (gần 2,3 tỷ đồng) vào dự án không thành công của người bạn Luke Nosek. Tuy nhiên, vận may của ông thay đổi khi bạn của Nosek là Max Levchin giới thiệu Peter Thiel về ý tưởng công ty liên quan đến mật mã, sau này trở thành dự án đầu tiên của họ mang tên Confinity vào năm 1998.
Trước khi trở thành tỷ phú, Peter Thiel từng là thư ký thẩm phán và luật sư chứng khoán. Ảnh: Forbes.
Tham vọng thay đổi quá trình thanh toán trực tuyến
Với Confinity và tư duy sáng tạo, Peter Thiel nhận ra họ có thể phát triển phần mềm để thu hẹp khoảng cách trong việc thanh toán trực tuyến. Việc sử dụng thẻ tín dụng và mở rộng mạng lưới máy rút tiền đã mang đến sự đa dạng thanh toán cho người tiêu dùng. Song không phải tất cả người bán đều có thiết bị cần thiết để chấp nhận thẻ tín dụng.
Peter Thiel mong muốn tạo ra loại ví kỹ thuật số mang lại sự tiện lợi và bảo mật cho người tiêu dùng, bằng cách mã hoá dữ liệu trên các thiết bị kỹ thuật số. Năm 1999, Confinity cho ra mắt Paypal với sứ mệnh giải phóng người tiêu dùng khỏi sự xói mòn giá trị của đồng tiền, do tình hình lạm phát.
Tại thời điểm đó, việc mua hàng qua các trang web khá "sơ khai". Người mua phải thanh toán bằng séc, quá trình mất tới 10 ngày để hoàn tất. Đặc biệt, người mua tin tưởng một cách mù quáng vào người bán về sản phẩm. Trong khi đó, người bán tin tưởng rằng người mua sẽ không rút lại séc sau khi nhận được hàng.
PayPal đã giải quyết vấn đề lớn này bằng cách liên kết email và tiền, tiên phong cho ngành thanh toán kỹ thuật số.
Paypal đã chứng tỏ thành công vang dội, được hỗ trợ nhờ việc thanh toán trên thị trường trực tuyến eBay. Năm 2002, eBay mua lại Paypal với giá 1,5 tỷ USD (hơn 34 nghìn tỷ đồng). Giao dịch đã khiến Peter Thiel trở thành triệu phú.
Vào năm 2015, eBay tách Paypal ra cho các cổ đông. Paypal lần nữa trở thành công ty độc lập. Công ty được xếp hạng 134 trên Fortune 500 năm 2021 về các tập đoàn lớn nhất của Mỹ theo doanh thu.
Paypal do Peter Thiel đồng sáng lập đã giúp việc thanh toán thuận tiện hơn. Ảnh: WWD.
Thể hiện vai trò là nhà đầu tư mạo hiểm
Sau khi bán Paypal, ông đầu tư vào một số công ty khởi nghiệp. Đáng chú ý, năm 2004 Peter Thiel đã đầu tư 500.000 USD (gần 11,5 tỷ đồng) vào Facebook cho 10,2% cổ phần của công ty và gia nhập hội đồng quản trị. Đây là khoản đầu tư bên ngoài đầu tiên vào mạng xã hội trực tuyến và định giá công ty 4,9 triệu USD (hơn 112 tỷ đồng).
Vào tháng 2 vừa qua, Peter Thiel tuyên bố sẽ không tái ứng cử vào hội đồng quản trị của chủ sở hữu Facebook Meta.
Cũng trong năm 2004, Peter Thiel thành lập công ty đầu cơ có tên Clarium Capital Management, tập trung vào các công cụ định hướng và thanh khoản bằng tiền tệ, cổ phiếu, lãi xuất và hàng hoá, khiến nó trở thành "ý tưởng kinh tế vĩ mô" cho đại chúng.
Năm 2005, Peter Thiel thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có tên Quỹ sáng lập, đã đầu tư vào các công ty như Airbnb, Lyft và SpaceX...
Peter Thiel cũng thành lập các công ty khác, bao gồm công ty phân tích dữ liệu Palantir Technologies (2003), Valar Ventures (2010), Mithril Capital (2012) và Y Combinator (2015)...
Ngoài hoạt động kinh doanh đầu tư, Peter Thiel còn thành lập quỹ từ thiện Thiel Foundation. Ảnh: Financial Times.
Theo The Richest, tư duy vượt trội của tỷ phú người Mỹ và việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh doanh có một không hai của ông đã thay đổi bối cảnh kinh tế trên quy mô toàn cầu, theo hướng tích cực.
"Ông trùm của Thung lũng Silicon" đã tạo ra loạt các kế hoạch và công ty đầu tư mạo hiểm khác nhau, gặt hái không ít thành công. Đồng thời làm việc không mệt mỏi để tạo nên sự tiện ích cho người tiêu dùng. Với vai trò là nhà đầu tư, Peter Thiel đã góp phần tạo nên di sản lẫy lừng cho mạng xã hội Facebook và công ty mẹ Meta.
Sự nghiệp của Peter Thiel đang ở đỉnh cao và nhiều người mong đợi tư duy đổi mới của ông sẽ tạo ra loạt dự án mang tính cách mạng trong những năm tới.
Theo The Richest
https://cafef.vn/ong-trum-paypal-peter-thiel-tu-ky-thu-co-vua-den-ty-phu-cong-nghe-so-huu-khoi-tai-san-hang-nghin-ty-dong-20220505155816565.chnTheo Lam Phương
Nhịp sống kinh tế