Sáng 6/5, Bộ Công an tổ chức Diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.
Trả lời câu hỏi của bạn đọc, thượng tá Tạ Thị Hồng Minh – Phó Trưởng phòng, Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, việc Giấy phép lái xe (GPLX) được tích hợp vào Căn cước công dân (CCCD) gắn chip nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc liên kết các dữ liệu chuyên ngành khác với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc này sẽ giảm được một số thủ tục hành chính cũng như một số bước trung gian gây phiền hà cho nhân dân như thủ tục liên quan đến cấp mới, cấp đổi, cấp lại GPLX, cơ quan có thẩm quyền có thể làm các thủ tục liên quan đến GPLX tại bất cứ nơi nào (thường trú, tạm trú) mà không cần làm các thủ tục xác nhận như trước đây.
Ngoài ra, việc thay đổi nơi ở của công dân được cập nhật vào cơ sở dữ liệu dân cư, do vậy các vụ việc hành chính của công dân (bị xử phạt, thông báo vi phạm…) cũng sẽ rất thuận lợi cho người dân và công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh – Phó Trưởng phòng, Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định “Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo GPLX đối với người điều khiển xe cơ giới”.
“Những vấn đề quy định về GPLX, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải nội luật hóa những nội dung mà Công ước Viên về giao thông đường bộ quy định, kế thừa Luật Giao thông đường bộ 2008” – thượng tá Minh nói.
Do đó, người dân khi điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải mang theo GPLX theo quy định là bắt buộc.
Theo Thanh Hà
Theo Tiền Phong