Từ thực tiễn công tác hiến đất mở hẻm của người dân tại TP.HCM suốt thời gian qua, Sở TN&MT TP đã rút ra bốn bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hiến đất mở hẻm của người TP trong thời gian tới.
Hẻm 359 đường Lê Văn Sỹ, quận 3 (TP.HCM) rộng rãi, khang trang sau khi người dân hiến đất mở rộng hẻm hơn so với trước. Ảnh: KC |
Người dân hào hứng hiến đất tiền tỉ
Cụ thể, báo cáo mới nhất của Sở TN&MT TP gửi Ban Dân vận Thành ủy cho biết từ năm 2000 đến 2021, toàn TP đã có trên 168.000 hộ dân hiến 5,3 triệu m2 đất, tương ứng số tiền trên 10.000 tỉ đồng phục vụ cho 5.230 công trình. Trong đó có 3.874 công trình mở rộng hẻm, tương ứng khoảng 6.622 tỉ đồng; 1.237 công trình mở rộng đường, tương ứng số tiền khoảng 3.379 tỉ đồng và 119 công trình khác, tương ứng 48 tỉ đồng.
“Nhà tôi chỉ dài 7 m nhưng tôi đã góp 1,4 m thụt vào với diện tích khoảng 10 m2 để mở rộng hẻm. Nguyên xóm này đều hiến đất ít nhiều” - ông Dương Quốc Trung, nhà 359/6 Lê Văn Sỹ (quận 3), cho biết.
Theo ông Trung, trước đây hẻm này nhỏ hẹp, sau khi chính quyền vận động, nhiều nhà hào hứng tham gia, phong trào hiến đất mở hẻm được ủng hộ, đến nay con hẻm 359 đã rộng rãi, khang trang sau ba năm được người dân hiến đất mở đường.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nở, hẻm 144 đường Lý Chính Thắng (quận 3), cũng bày tỏ sự đồng tình với chính quyền và vui mừng vì hẻm sau khi được mở rộng không còn ngập nước khi triều cường lên, việc sinh hoạt và di chuyển của bà con trong hẻm cũng dễ dàng hơn.
Tại quận Phú Nhuận, khi triển khai thực hiện dự án mở rộng đường Cô Giang, có hộ dân đã hiến đất với diện tích gần 40 m2 (tương đương diện tích một căn nhà trung bình) để quận mở rộng đường.
Một điểm nổi bật khác của quận Phú Nhuận là dự án mở rộng hẻm 162 đường Phan Đăng Lưu. Hẻm có chiều rộng trung bình khoảng 2 m, riêng đoạn cuối hẻm chỉ rộng 1 m, ngoằn ngoèo hình chữ U thông qua hẻm 440 đường Nguyễn Kiệm. Vì vậy, quận đã đề ra giải pháp hoán đổi từ đất ở của bốn hộ dân mở rộng đường, từ đó biến hẻm này thành đường giao thông kết nối từ cuối hẻm 162 đường Phan Đăng Lưu thông ra hẻm 440 đường Nguyễn Kiệm với quy mô 5 m.
Đồng thời quận cũng sắp xếp, cân đối phân bổ lại diện tích giữa đất giao thông và đất ở để bố trí cho bốn hộ dân bị ảnh hưởng được xây dựng lại nhà ở. Mô hình này của quận đã được TP đánh giá cao.
Hay tại huyện Bình Chánh, là huyện có diện tích người dân hiến đất nhiều nhất với gần 1,9 triệu m2 đất, tương ứng khoảng 2.189 tỉ đồng phục vụ cho 1.115 công trình mở rộng đường, hẻm.
Bốn bài học kinh nghiệm
Theo Sở TN&MT TP, có bốn bài học kinh nghiệm cần lưu ý nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hiến đất mở hẻm trong thời gian sắp tới. Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương cần linh hoạt, tăng cường kiên trì vận động, kết hợp với việc thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm giúp người dân thông suốt về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả thực tiễn của chương trình.
Thứ hai, cần công khai, minh bạch chi tiết các dự án mở rộng hẻm để người dân góp ý, giám sát, luôn đặt lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân lên trước, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Quan tâm đến hoàn cảnh cụ thể của từng hộ dân, từng khu dân cư, tổ dân phố, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Thứ ba, đối với những trường hợp hộ dân có nhà đất diện tích nhỏ (dưới 36 m2), đông nhân khẩu (trên sáu người), khi triển khai thực hiện dự án mở rộng hẻm, cần lấy ý kiến của người dân. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ, xem xét, giải quyết cho người dân được mua nhà ở, đất ở tái định cư hoặc nhà ở xã hội để tăng cường sự đồng thuận và bù đắp phần nào thiệt hại cho người dân.
Và cuối cùng, lãnh đạo các địa phương cần có chủ trương và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải có giải pháp hỗ trợ tích cực cho người dân được xây dựng, sửa chữa lại nhà. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ, giải quyết kịp thời các thủ tục pháp lý về nhà đất cho người dân như cập nhật giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sau khi hiến đất), cấp giấy phép xây dựng, công tác an sinh xã hội…•
Phát biểu tại lễ công bố quyết định công nhận huyện Bình Chánh đạt chuẩn nông thôn mới ngày 29-4, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng mở rộng đường, hẻm sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện ngoại thành.
“Chúng ta đã có hơn 33.800 hộ dân hiến trên 3 triệu m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, ước tính giá trị hơn 2.300 tỉ đồng. Chúng ta đã huy động cộng đồng chung sức xây dựng hơn 2.300 tuyến hẻm với tổng chiều dài hơn 340 km. Những hành động cụ thể trên góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn ở ngoại thành” - ông Hoan nói.