Tờ 36Kr mới đây đã chia sẻ câu chuyện về Amy, một cô gái 26 tuổi đang làm việc tại công ty Pr. Được biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Amy bắt đầu được làm việc từ xa từ 3 ngày trước.
Ban đầu, cô thở phào nhẹ nhõm vì nghĩ rằng mỗi ngày mình có thể ngủ thêm ít phút, ăn mặc thoải mái hơn và không cần trang điểm như mọi khi. Miễn là công việc hoàn thành đúng tiến độ, sếp sẽ chẳng quan tâm cô đang nằm, nghe nhạc hay đang ăn vặt trong lúc chạy deadline.
Tuy nhiên, mọi thứ không như là mơ và khác xa so với tưởng tượng. Cuộc sống “công sở online’’ khiến Amy phải tham dự 4-5 cuộc họp video mỗi ngày, mỗi buổi kéo dài 15-30 phút. Nội dung cũng chỉ xoay quanh những báo cáo công việc vụn vặt để cấp trên giám sát sự tập trung của nhân viên.
“Sau hơn nửa tiếng, cuộc họp cuối cùng cũng kết thúc. Tôi mặc lại bộ đồ ngủ, pha cho mình một tách cà phê và bắt đầu làm bữa sáng. Khi đó đã là 10h30 rồi. Sau đó 10 phút, thông báo nhóm lại vang lên, rằng một cuộc họp khác sẽ được tổ chức vào lúc 11 giờ”, Amy kể. "Tôi thậm chí không thể ăn đúng bữa. Năng suất cũng không cải thiện hơn trước là mấy vì phải tính giờ vào 'điểm danh'. Giờ, tôi chỉ mong được đi làm lại".
Amy phải tham dự 4-5 cuộc họp video mỗi ngày, mỗi buổi kéo dài 15-30 phút để cấp trên giám sát sự tập trung của nhân viên
Một nhân viên văn phòng khác có tên nickname là Shire, 32 tuổi, cũng rơi vào tình trạng tương tự Amy. Nhìn quy định làm việc tại nhà, cô thậm chí còn cảm thấy áp lực hơn so với lúc lên văn phòng.
Theo đó, toàn bộ nhân viên phải bật camera trong suốt 9 tiếng làm việc và ngồi trước màn hình máy tính liên tục. Nếu không có mặt trong vòng 30 phút, họ sẽ lập tức bị trừ lương.
"Điều khiến tôi căng thẳng không phải là quy định về thời gian, mà là việc bị cấp trên giám sát từ sáng đến tối qua hệ thống camera. Chẳng khác nào xâm phạm quyền tự do cả", Shire nói.
Đáng nói hơn cả là hệ thống giám sát này còn tự ấn định thời gian nghỉ ngơi của từng người theo một cách rất “bài bản”.
"Chúng tôi phải làm việc từ 9h tới 18h. Thời gian nghỉ trưa cũng được tính vào ca 9 tiếng và khi đó nhân viên không bị giám sát nữa. Song, nếu ăn trưa trong 1 tiếng đồng hồ, tôi sẽ phải làm bù đến 19h. Nếu không làm đủ từng ấy tiếng, chúng tôi sẽ bị trừ lương. Hơn chục đồng nghiệp của tôi cũng phàn nàn như vậy’’, Shire tâm sự. “Nhiều lúc tôi cố gắng đăng nhập hệ thống lúc 9h sáng, nhưng phần mềm liên tục gặp lỗi. Tôi phản hồi với bộ phận kỹ thuật song 1 tiếng sau cũng chẳng ai ý kiến gì’’.
Nhiều nhân viên tại Trung Quốc phải làm việc theo chế độ 007, tức sẵn sàng xử lý mọi thứ 24/7
Từ sau khi Thượng Hải phong tỏa, anh Wei Wei, 31 tuổi cũng cho biết mình phải chuyển từ chế độ làm việc "996" (làm từ 9-21h, 6 ngày một tuần) sang "007", tức luôn sẵn sàng xử lý sự vụ 24/7. Khái niệm thời gian theo đó gần như bị bóp méo.
“Khi đi làm, nếu có câu hỏi gì, tôi có thể ngay lập tức hỏi đồng nghiệp và giám đốc dự án. Tuy nhiên, kể từ khi phải làm việc từ xa, tôi phải tổ chức họp trực tuyến để giải quyết những thứ tưởng như nhỏ nhất. Thỉnh thoảng, những dự án tôi phụ trách bị lên lịch họp trùng nhau và mọi người không thể sắp xếp thời gian. Tôi chỉ có thể họp online cùng lúc 2 team và lắng nghe từ mọi hướng, anh Wei phàn nàn.
Theo 36Kr, người đàn ông này còn phải làm việc đến 12h đêm và gần như không có thời gian nghỉ ngơi do phải nấu nướng để đảm bảo ăn đủ bữa mỗi ngày.
“Sau khi ăn cơm trưa, 1h chiều tôi phải bắt đầu công việc. Để không phải sống nhờ mì gói, cứ 10h sáng là tôi đã phải bắt đầu rửa rau, rã đông thịt và nấu cơm rồi’’, anh Wei nói.
Theo: 36Kr
http://tintuc.vdong.vn/05/1343988.htmVũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế