Bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP.HCM - phát biểu kết luận buổi giám sát - Ảnh: TIẾN LONG
Sáng 10-5, HĐND TP giám sát UBND TP.HCM về tình hình thực hiện nghị quyết số 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và nghị quyết số 25 năm 2017 của HĐND TP.
Cơ chế có, nhưng chưa thu được đồng nào
Theo báo cáo của UBND TP, việc thực hiện nghị quyết 54 có nhiều điểm sáng. Trong đó, trong 4 năm từ 2018-2021, UBND TP đã trình HĐND TP thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha, với tổng diện tích hơn 1.800ha.
Ngoài ra, TP cũng đã đạt được một số hiệu quả trong việc thực hiện các nội dung được cho phép theo nghị quyết 54 như: quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP; ủy quyền cho thủ trưởng các sở - ngành, chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND TP; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức...
Tuy nhiên, về cơ chế tài chính theo nghị quyết 54 chưa được phát huy như mong đợi và TP chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng tăng.
Nghị quyết 54 cho phép TP.HCM được hưởng 50% khoản tiền từ việc thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị trung ương ở TP. Song từ khi có nghị quyết, chỉ có 2 nhà, đất được phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với dất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thế nhưng đến nay việc bán, chuyển nhượng chưa được thực hiện.
Nguyên nhân do các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp thuộc trung ương chưa làm các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch. Mặt khác, công tác hậu kiểm và phối hợp rà soát việc thực hiện các phương án sắp xếp lại và xử lý các nhà, đất do các cơ quan, đơn vị trung ương quản lý trên địa bàn TP chưa đảm bảo tiến độ.
TP cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp vướng mắc do thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Kiến nghị giữ ổn định tỉ lệ điều tiết 21% cho giai đoạn 2023-2025
Tại buổi giám sát, UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thay thế nghị quyết 54 để TP tiếp tục thực hiện cơ chế, đặc thù. Đây là việc cực kỳ quan trọng giúp TP phát huy tốt tiềm năng, phát triển nhanh, bền vững.
TP cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục giữ ổn định tỉ lệ điều tiết 21% cho giai đoạn 2023-2025. Việc này nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho TP có nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, tập trung cho các nhiệm vụ chiến lược, ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định ngoài những mặt làm được, đến nay một số nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch dự kiến, cơ chế, chính sách đặc thù chưa phát huy, triển khai đầy đủ, kịp thời như mong đợi.
Bà Lệ đề nghị UBND TP phân tích và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan đến những nội dung còn hạn chế, chưa thực hiện được, kể cả những nội dung chưa thực hiện đầy đủ để làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách mới để phát triển TP.
"Đối với từng lĩnh vực cần phải được phân tích kỹ, chi tiết mặt được, chưa được, nội dung nào cần điều chỉnh, nội dung nào cần thiết tiếp tục áp dụng, nội dung nào không cần thiết, kể cả tiếp tục thực hiện thì cần điều chỉnh quy định pháp luật nào. Từ đó có cơ sở cho TP tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TP phù hợp với vai trò của TP", bà Lệ nhấn mạnh.
Xin thí điểm đổi mới trong tuyển dụng công chức, viên chức
Cũng theo báo cáo, TP.HCM đề xuất bổ sung vào nghị quyết (thay thế nghị quyết 54) cho TP thí điểm đổi mới một số việc trong tuyển dụng công chức, viên chức.
Theo đó, ngoài tiêu chuẩn chung theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức của TP được quyền quy định các điều kiện, tiêu chuẩn riêng đối với các vị trí việc làm đặc thù để tuyển dụng công chức.
UBND TP.HCM được quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP.
Mặt khác, đề xuất UBND TP được quyền trình HĐND TP quyết định biên chế hành chính, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
Đồng thời, UBND TP căn cứ đặc điểm, tình hình, yêu cầu thực tiễn và ngân sách TP được phép bố trí tăng thêm số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn đông dân. Trình HĐND TP quyết định tăng thêm số lượng người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn ngoài số lượng đã được quy định tại các văn bản khác của Chính phủ.
TTO - Đó là chủ đề năm 2019 mà Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM thống nhất tại Hội nghị lần thứ 22 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa X. Hội nghị cũng thảo luận, góp ý thông qua 9 nội dung.