vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh nghiệm từ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương

2022-05-13 07:20

Ngày 12-5, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình cao tốc Việt Nam và Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC) tổ chức buổi tọa đàm về quản lý đường bộ cao tốc theo hình thức kinh doanh - quản lý (O&M). Tại đây, các đại biểu đều khẳng định hình thức hợp đồng O&M không mới tại Việt Nam nhưng hiện chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh và bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên về quản lý, khai thác đường bộ cao tốc.

Nhiều vấn đề nảy sinh từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương

TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, cho biết thực tế tại Việt Nam tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã áp dụng mô hình O&M, dưới hình thức “nhượng quyền thu phí”, với thời hạn năm năm (từ năm 2013), giá trị hơn 2.000 tỉ đồng, tương đương 20% tổng mức đầu tư.

Kinh nghiệm từ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương ảnh 1

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã áp dụng mô hình O&M, dưới hình thức nhượng quyền thu phí. Ảnh: THU TRINH

Tuy nhiên, khi hết thời hạn hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí, dự án nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập. Chẳng hạn, Nhà nước gặp khó khăn trong bố trí nguồn vốn quản lý, bảo trì; lưu lượng phương tiện gia tăng; vận tốc khai thác giảm (vận tốc thực tế trung bình đạt được chỉ 60-70 km/giờ, trong khi trước thời điểm dừng thu phí, vận tốc trung bình là 100 km/giờ). Song song tình hình mất trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông tại cao tốc tăng cao; thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm và các ngày nghỉ lễ, tết.

Đến nay, hành lang pháp lý đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP tương đối rõ ràng, cùng với việc Nhà nước sẽ đầu tư hàng loạt dự án đường bộ cao tốc bằng hình thức đầu tư công và bán quyền thu phí. Do đó, nhu cầu thực hiện quản lý, khai thác dự án theo hình thức hợp đồng O&M càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng cần lưu ý phải làm rõ trong hợp đồng về phương án chia sẻ doanh thu tăng và giảm; đảm bảo công khai, minh bạch trong lựa chọn doanh nghiệp dự án.

Khẳng định Việt Nam đang có khoảng trống lớn về hợp đồng O&M, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông, cho rằng kinh nghiệm từ dự án TP.HCM - Trung Lương chúng ta phải tạo một hành lang pháp lý để làm sao Nhà nước lựa chọn được nhà đầu tư tốt, đồng thời có được bộ hợp đồng hoàn chỉnh về pháp lý. Trong hợp đồng phải quy định rất rõ quyền lợi, nghĩa vụ của Nhà nước, nhà đầu tư nhằm quản lý và xử lý các tranh chấp có thể xảy ra.

“Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ có được bộ hợp đồng mẫu để các bên căn cứ xây dựng. Một hợp đồng chặt chẽ thì các bên sẽ tránh được các rủi ro như dự án TP.HCM - Trung Lương vừa qua…” - ông Chủng khẳng định.

Góp ý thêm, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng đi đôi với triển khai các hợp đồng mẫu cần sớm thay đổi các quy định pháp luật về quản lý đường cao tốc, vì quy định hiện nay đã cũ.

“Chẳng hạn, định mức bảo trì đường cao tốc phải theo quy định mới, phải có thời hạn phù hợp với chu kỳ bảo dưỡng định kỳ của đường cao tốc…” - ông Kiên góp ý.

Cần triển khai thí điểm hợp đồng O&M

Theo TS Lê Đỗ Mười, để sớm nhân rộng mô hình khai thác quản lý O&M đối với hệ thống đường bộ cao tốc, cần sớm triển khai dự án mẫu trên các đoạn tuyến đã khai thác ổn định, tiêu biểu là dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Từ đó có thể đánh giá, rút kinh nghiệm khi triển khai đồng loạt trên các dự án khác.

Hiện chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh và bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên về quản lý, khai thác đường bộ cao tốc.

“Việc bổ sung thêm mô hình khai thác, quản lý O&M sẽ làm đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo phương thức PPP, thu hồi nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư đường bộ cao tốc để tiếp tục tái đầu tư…” - ông Mười cho hay.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng để triển khai hợp đồng O&M một cách hiệu quả, cần sửa đổi một số quy định pháp luật hiện hành cho đồng bộ. Cạnh đó, quá trình triển khai hợp đồng cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên khảo sát lưu lượng phương tiện để theo dõi tình hình tăng trưởng giao thông, đồng thời thực hiện giám sát công tác xây dựng, vận hành và bảo trì một cách độc lập.

Đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết hiện nay Bộ GTVT đã xây dựng và trình Chính phủ đề án thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng đã đưa vào quy định cho phép Nhà nước được thu phí đối với các dự án do ngân sách đầu tư.

“Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để có thể triển khai hợp đồng O&M với các dự án đường bộ cao tốc đầu tư từ nguồn vốn nhà nước trong thời gian tới” - đại diện Tổng cục Đường bộ cho hay.•

Bán quyền thu phí không chỉ có thu hồi vốn

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông, cho biết: Lâu nay chúng ta cứ nghĩ nhượng quyền thu phí chỉ là thu hồi vốn. Tuy nhiên, cần phải hiểu ngoài thu phí còn có nhiều nội dung. Chẳng hạn quản lý việc thu phí, giao thông, công tác bảo trì, tài sản đường cao tốc… Trong đó, công tác bảo trì có khối lượng rất lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp nên cần tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa rất sâu.

“Công tác bảo trì đường cao tốc không chỉ kiểm soát được bằng mắt mà phải dùng hệ thống thiết bị kiểm định chuyên biệt và các trang bị duy tu sửa chữa chuyên dụng” - ông Chủng nói.

Xem thêm: lmth.577976tsop-gnoul-gnurt-mch-pt-cot-oac-ihp-uht-neyuq-nab-ut-meihgn-hnik/nv.olp

“Kinh nghiệm từ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools