Ngày 11-5 (giờ địa phương), trong chuyến công tác tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn của nước này, trong đó có Boeing - tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, Boeing là đối tác tin cậy cung cấp máy bay và dịch vụ hàng không liên quan cho Vietnam Airlines và Vietjet Air nhiều năm qua.
Chờ cú hích cho hàng không, du lịch
Ông Marc Allen - Giám đốc chiến lược kiêm Phó Chủ tịch cấp cao, chiến lược và phát triển DN của Tập đoàn Boeing - cho biết hãng đang rất quan tâm tới việc hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững. Boeing mong muốn mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu và tìm hiểu cơ hội hợp tác về công nghệ, kết nối với các hãng hàng không.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Boeing trong quá trình khai thác máy bay của hãng tại Việt Nam. Thủ tướng hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch mở rộng các cơ sở tại Việt Nam của Boeing để cung cấp nguyên liệu và tìm hiểu cơ hội hợp tác về công nghệ.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Boeing mở cơ sở bảo hành, bảo trì và tiến hành một số công việc khác tại Việt Nam; đồng thời có chính sách hợp tác lâu dài, có ưu đãi cụ thể giúp các DN Việt Nam vượt qua khó khăn lúc này; góp phần quan trọng thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.
Thực tế, hợp tác về hàng không, du lịch giữa các DN Mỹ và Việt Nam những năm gần đây có sự phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều hãng hàng không trong nước đã có những hợp đồng đặt mua, thuê mua máy bay trị giá hàng tỉ USD với Boeing. Tháng 11-2021, sau nhiều năm đàm phán, hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines đã mở đường bay thẳng thường lệ đầu tiên đến Mỹ, kết nối TP HCM với San Francisco.
Theo đại diện Vietnam Airlines, đường bay thẳng Mỹ - Việt Nam đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, thương mại và du lịch hai nước. Kể từ chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên, tổng số khách Vietnam Airlines vận chuyển giữa Mỹ và Việt Nam đến nay đạt hơn 15.000 lượt, nhiều chuyến bay có tỉ trọng lấp đầy trên 80%. Đại diện Vietnam Airlines nhận định thời gian tới, với tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, thủ tục nhập cảnh được nới lỏng, đầu tư, thương mại, du lịch giữa hai nước sẽ còn tăng trưởng ấn tượng hơn.
"Vietnam Airlines đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan, DN hai nước để đóng vai trò kết nối. Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để chào đón du khách, nhà đầu tư từ Mỹ đến trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng phía Mỹ sẽ tạo điều kiện tốt nhất để chào đón luồng du khách, nhà đầu tư Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới" - đại diện Vietnam Airlines bày tỏ.
Trong lĩnh vực du lịch, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nhận xét Mỹ không chỉ là thị trường lớn của Việt Nam mà còn cả thế giới. Vietravel từ rất sớm đã có chi nhánh tại đây. Trước khi đại dịch bùng phát, Vietravel đã tổ chức nhiều đoàn khách từ Việt Nam sang Mỹ cũng như thu hút khách từ thị trường này đến Việt Nam, không chỉ Việt kiều mà cả du khách Mỹ.
"Chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ tới Mỹ lần này được kỳ vọng sẽ càng thúc đẩy du lịch giữa hai nước phát triển hơn nữa. Một chính sách nếu được triển khai có thể xem là đột phá cho du lịch và hàng không chính là chính sách visa. Chúng tôi kiến nghị miễn, giảm visa đối với thị trường Mỹ để rộng cửa đón khách. Khi đó, không chỉ du lịch mà việc này còn thúc đẩy, kết nối nhiều lĩnh vực khác" - ông Trần Đoàn Thế Duy tin tưởng.
Một chuyến bay thẳng thường lệ của Vietnam Airlines đến Mỹ. Ảnh: ĐỨC ANH
Thu hút vốn vào tài chính, fintech
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại thủ đô Washington D.C, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Tại cuộc làm việc, Thủ tướng khẳng định hợp tác trong lĩnh vực tài chính tiền tệ và kinh tế - thương mại hai nước đã có bước phát triển tích cực, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Thủ tướng bày tỏ mong muốn Mỹ chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản một cách lành mạnh, an toàn, minh bạch, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Bà Janet Yellen khẳng định Mỹ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam về xây dựng năng lực, cơ chế nhằm phát triển hiệu quả thị trường vốn và thị trường bất động sản; phát triển quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước, trong đó có hợp tác tài chính ngân hàng.
Dưới góc độ DN, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPPG, kỳ vọng chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ sẽ đem lại những dấu mốc đột phá trong việc thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. Bởi lẽ, Mỹ là một siêu cường về kinh tế và dòng vốn đầu tư của họ tỏa đi khắp thế giới. Đây là dòng vốn quan trọng với các nước, bao gồm khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Chuyến công du của Thủ tướng có thể xem là cơ hội để thu hút những dòng vốn đầu tư mới từ Mỹ, nhất là dòng vốn đầu tư vào tài chính, công nghệ số, kinh tế số, kinh tế xanh…
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn dẫn chứng đề án thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM đang được xúc tiến xây dựng nhưng đã có rất nhiều nhà đầu tư Mỹ là những tập đoàn có uy tín trên giới cam kết rót vốn để triển khai, nếu được tạo thuận lợi và có sự đột phá trong cơ chế, chính sách.
"Chúng tôi đã lên kế hoạch đầu tư thêm vào 45 dự án với tổng vốn dự kiến thu hút có thể tới hàng trăm tỉ USD tại 9 tỉnh, thành trên cả nước, với những kỳ vọng về các khu mua sắm, vui chơi - giải trí tầm cỡ quốc tế như Disneyland và Universal Studio, các tuyến phố tài chính hàng hiệu Orchard Road, kinh tế đêm… Các nhà đầu tư sẽ đến từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc, châu Âu…, trong đó chủ lực là Mỹ" - ông Hạnh Nguyễn nói.
Trong chiến lược của IPPG, một hãng hàng không vận tải hàng hóa cũng đang được xúc tiến triển khai nhằm mở rộng thị trường vận chuyển hàng hóa chuyên biệt kết nối thị trường trong nước và quốc tế. Theo ông Winkerbauer Lars, cố vấn cấp cao của hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPPG Cargo, việc xây dựng một hệ sinh thái vận chuyển hàng không chuyên nghiệp cho thị trường chuyên về xuất nhập khẩu như ở Việt Nam sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, lưu chuyển hàng hóa dễ dàng, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có dòng vốn từ Mỹ.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kỳ vọng sau chuyến công du của Thủ tướng, sẽ có những cú hích về quan hệ thương mại, đầu tư, kể cả du lịch, hàng không và giáo dục - đào tạo. Mỹ là thị trường rất quan trọng, tiềm năng với Việt Nam. Hiện nay, tổng vốn đầu tư lũy kế của Mỹ khoảng 10,4 tỉ USD, đứng thứ 11 trong các nước đầu tư vào Việt Nam.
"Nếu Mỹ có thể tiến triển lên tốp 10 về dòng vốn đầu tư sẽ là điều tuyệt vời, trong bối cảnh rất nhiều nhà đầu tư Mỹ quan tâm tới thị trường Việt Nam ở các lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), năng lượng tái tạo, an ninh năng lượng, du lịch, công nghệ, viễn thông, y tế, giáo dục… và những lĩnh vực mà DN Mỹ có thế mạnh. Ở tầm quốc gia, việc phát triển kinh tế số sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn" - ông Lực nhận xét.
Để thu hút được dòng vốn mới chảy vào kinh tế số, kinh tế xanh, tài chính ngân hàng, công nghệ…, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần quảng bá thị trường, tiềm năng đầu tư của Việt Nam với Mỹ tốt hơn, bởi có thể các nhà đầu tư còn thiếu thông tin về thị trường Việt Nam, chưa thấy được những nét năng động, sự đổi mới trong nền kinh tế. Đồng thời, cũng cần thay đổi cách thức thu hút, quảng bá đầu tư nước ngoài, cách quảng bá hình ảnh, con người, môi trường đầu tư của Việt Nam tới nhà đầu tư Mỹ.
Trong lĩnh vực fintech, ngân hàng, phía Mỹ cũng muốn mở cửa nhiều hơn, nới "room" (hạn mức) sở hữu và hai bên đang tiếp tục thảo luận. Do đó, cần nắm bắt đúng hơn, trúng hơn mối quan tâm của nhà đầu tư Mỹ để tận dụng dòng vốn đầu tư này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thương mại điện tử cũng là một lĩnh vực có nhiều triển vọng hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Thực tế, 4 năm qua, VECOM đã hợp tác cùng Amazon (Mỹ) tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo cho các DN Việt Nam có kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới này.
Ông Dũng khẳng định các hoạt động hỗ trợ DN xuất khẩu qua thương mại điện tử vẫn tiếp tục thực hiện để các DN chuẩn bị nền tảng vì đây là xu thế chung. "Chúng tôi thiết lập một số sàn nội bộ cho các DN có thể thực tập trước để khi lên sàn quốc tế như Amazon không bị choáng ngợp mà mất tự tin" - ông Dũng cho biết.
Ng.Ánh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-5