Ngày 13.5, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (Ban QLRPH Đại Ninh) cho biết, ngày 10.5 đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, Công an xã Ninh Loan, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đến tiểu khu (TK) 365, trên địa bàn xã Ninh Loan, lâm phần quản lý của Ban QLRPH Đại Ninh để kiểm tra hiện trường vụ lấn chiếm đất rừng.
Vị trí hộ ông Lâm Ngọc Khao lấn chiếm khoảng 6.000 m2 đất lâm nghiệp để trồng mắc ca lâm viên |
Theo biên bản ghi nhận hiện trường, tại đây có 2 vị trí đất rừng bị bao chiếm để lập vườn trồng cây trái phép trên tổng diện tích hơn 6.700 m2. Cụ thể, tại vị trí lô a1, khoảnh 10, TK 365, đất rừng trồng đã bị bao chiếm trồng mắc ca và cây mít hơn 4.000 m2. Đây là diện tích rừng thông 3 lá trồng năm 2016, thuộc đối tượng rừng phòng hộ. Vị trí còn lại (cũng tại khoảnh 10, TK 365) là diện tích rừng trồng sau giải tỏa năm 2020, có khoảng 2.700 m2 đất rừng bị bao chiếm để trồng mắc ca.
Ngang nhiên chiếm hàng ngàn m2 đất rừng để trồng mít, mắc ca!
Qua làm việc với các hộ nhận khoán đất rừng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP, bước đầu ông Lâm Ngọc Khao (51 tuổi, ngụ tại xã Ninh Loan), thừa nhận toàn bộ diện tích cây mắc ca và mít trồng tại 2 vị trí đất rừng bị lấn chiếm trên là của ông, được trồng vào năm 2021, nhưng rừng thông thì không biết ai chặt phá (?).
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng ban QLRPH Đại Ninh cho biết, cả 2 phần diện tích nêu trên đều nằm ngoài ranh giới của đơn vị giao khoán cho hộ ông Khao.
Một góc TK 365 sau khi được giao cho cho các hộ lâm viên |
Tương tự, tại khu vực khoảnh 4, TK 365 được giao cho hộ ông Ngô Văn Chung nhận khoán (hiện đã ủy quyền cho ông Đỗ Đình Dũng) cũng xảy ra tình trạng phá rừng. Cụ thể, biên bản ngày 11.6.2021 do Hạt Kiểm lâm H.Đức Trọng lập, nêu rõ: tại vị trí 1 thuộc phạm vi nhận khoán của hộ ông Chung được san, ủi đường với diện tích 2.000 m2.
Sau đó, ngày 23.8.2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Đình Dũng số tiền 45 triệu đồng về hành vi chuyển 2.000 m2 đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên sang đất phi nông nghiệp trái phép.
Vụ việc chặt phá cây rừng để chiếm đất canh tác tại TK 365 vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ Người dân cung cấp |
Xung quanh vấn đề rừng bị phá và lấn chiếm sau khi giao khoán cho các hộ tại TK 365, ông Nhẫn cho biết đối với diện tích trong ranh giới đất của các hộ nhận khoán mà bị lấn chiếm, sau khi giải tỏa, Ban QLRPH Đại Ninh sẽ trả lại cho hộ nhận khoán tiếp tục trồng rừng chứ không thu hồi.
Với diện tích nằm ngoài ranh giới nhận khoán bị lấn chiếm, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương lập biên bản xử lý, như trường hợp ông Khao lấn chiếm 6.700 m2 đất rừng phòng hộ. Sau khi có hình thức xử lý vi phạm hành chính, sẽ yêu cầu giải tỏa cây mắc ca và cho trồng lại cây rừng như ban đầu vì đây là phần diện tích rừng thuộc Ban QLRPH Đại Ninh quản lý.
Theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước, sau khi ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, các hộ dân phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng trên đất trống, trồng bổ sung trên rừng nghèo kiệt. Song song với đó, các hộ được trồng xen những cây ngắn ngày, chăn nuôi giữa tán rừng để tăng thêm thu nhập.
Thực tế, sau hơn 2 năm triển khai giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 168 tại TK 365 (xã Ninh Loan) với diện tích khoảng 40 ha cho các hộ dân, đã và đang phát sinh nhiều bất cập, còn xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết rốt ráo.
Vị trí rừng sát vườn mắc ca của ông Khao không còn cây rừng nào lâm viên |
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Ninh Loan (H.Đức Trọng), cho rằng: Khu vực TK 365 rất phức tạp, tình trạng lấn chiếm đất rừng kéo dài nên địa phương chỉ đề nghị chủ rừng xử lý dứt điểm và cho trồng rừng lại; hộ nào không thực hiện tốt như đã thỏa thuận thì cho thu hồi để tạo dư luận tốt trong nhân dân, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương.