Chiều 13-5, tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư ba dự án cao tốc phía Nam gồm Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH |
Đầu tư công để sớm hoàn thành dự án
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nếu đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) khó khả thi vì lưu lượng xe chưa cao, dẫn tới thời gian hoàn vốn dài. Vì vậy, Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công là phù hợp.
Riêng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, một số ý kiến đề nghị cân nhắc tiếp tục đầu tư dự án này theo phương thức PPP. Tuy nhiên, UBKT cho rằng nếu triển khai PPP dự án này phải đến năm 2026 mới hoàn thành. Hơn nữa, hiện nay việc thu xếp, tiếp cận nguồn tín dụng của các nhà đầu tư còn khó khăn…
“Vì vậy, UBKT đồng tán thành với đề xuất của Chính phủ là triển khai theo hình thức đầu tư công. Mục đích là đưa dự án Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành trong năm 2024, để khai thác đồng bộ với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành…” - ông Vũ Hồng Thanh cho hay.
Đối với nguồn vốn phân bổ cho ba tuyến cao tốc, Chính phủ đề xuất sử dụng vốn từ nhiều nguồn gồm: Vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và 2026-2030, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương, tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.
Sau khi xem xét, UBKT đề nghị Chính phủ làm rõ tính khả thi, phù hợp trong việc sử dụng vốn đầu tư công trung hạn của ngành. Còn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi Chính phủ chưa báo cáo UBTVQH để duyệt theo quy định nên đề nghị báo cáo sớm.
Về nguồn vốn ngân sách địa phương (khoảng 8.358 tỉ đồng), UBKT cho rằng theo quy định, khi quyết định chủ trương đầu tư phải quyết định tổng mức vốn và cơ cấu vốn. Tuy nhiên, đến nay mới có nghị quyết của HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các địa phương khác chưa ban hành nghị quyết cam kết số vốn bố trí. Do vậy, UBKT đề nghị cần bổ sung, làm rõ để bảo đảm tính khả thi cho các dự án.
UBKT cũng thống nhất ba dự án sau khi hoàn thành sẽ thu phí để thu hồi nguồn vốn. Cạnh đó chấp thuận cho Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, rút ngắn thủ tục đầu tư…
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết Bộ Chính trị có kết luận đồng tình với chủ trương đầu tư những dự án này. Bộ GTVT là cơ quan chính chịu trách nhiệm về các nội dung trình QH.
Nhiều nội dung cần được làm rõ
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của cơ quan thẩm tra bởi việc đầu tư ba dự án trên đều rất cấp thiết. Chẳng hạn, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu hoàn thành sớm sẽ giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng xuống cảng Cái Mép - Thị Vải, giảm ùn tắc cho tuyến quốc lộ 51 vốn đã quá tải.
Về hình thức đầu tư, ông Thể cho biết “rất trăn trở” vì nếu đầu tư dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột theo hình thức PPP là vô cùng khó khăn. Nếu không đầu tư sẽ khó tạo được sự đột phá chiến lược của hai vùng này. Còn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 có đề xuất làm PPP. Tuy nhiên, đơn vị này trong nhiều năm chủ yếu làm nhà thầu, chưa làm nhà đầu tư một dự án PPP nào. Nếu trường hợp triển khai PPP một vài năm rồi quay lại làm đầu tư công sẽ khó khăn “nên chúng tôi rất trăn trở”.
“Nếu dự án Biên Hòa - Vũng Tàu mà chậm một năm, chậm một ngày thì xe cộ ùn ứ trong TP và cả miền Đông, tắc nghẽn nghiêm trọng. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và nhận được sự đồng tình cao. Thủ tướng lúc nào cũng có chủ trương đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhưng sau một thời gian điều hành công việc thì thấy đây là dự án bức xúc nên có nghị quyết đề xuất đầu tư công…” - ông Thể lý giải thêm.
Về nguồn vốn địa phương góp vào dự án, người đứng đầu ngành giao thông cho biết do quá gấp nên HĐND tỉnh chưa thông qua nội dung này. Hy vọng trước khi QH thảo luận sẽ có nghị quyết của các địa phương.
Kết luận, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết Bộ Chính trị có kết luận đồng tình với chủ trương đầu tư những dự án này. Bộ GTVT là cơ quan chính chịu trách nhiệm về các nội dung trình QH. Dù địa phương cam kết ngân sách nhưng nếu không thực hiện được thì Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm. “Tôi đề nghị báo cáo thẩm tra trình QH cũng nêu rõ việc này” - ông Huệ yêu cầu.
Về nguồn vốn, Chủ tịch QH cho rằng tiền làm cao tốc lấy từ nguồn nào phải chắc chắn, không thể quyết một nguồn mà chưa biết có hay không. “Còn sau này tiết kiệm được ở đâu, có chỉ định thầu hay không mới tính. Mà chỉ định thầu xây lắp cũng không phải trên toàn bộ tổng mức đầu tư này. Ngay cách tính đã chưa đúng, các đồng chí thấy thế nào chứ tôi thấy không thuyết phục…” - ông Huệ nói.
Chủ tịch QH cũng chỉ ra thiếu sót khi chưa có báo cáo đánh giá năng lực của từng địa phương được giao làm cao tốc. “Ngoài ra, việc chia dự án thành phần theo địa giới hành chính thế này có phù hợp không? Sau này bảo trì, vận hành thì ai làm? Chi phí bảo trì ai chịu trách nhiệm? Tinh thần như vậy đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình thuyết phục để đảm bảo khả thi cho các dự án quan trọng này… Khó thuyết phục TVQH thì khó thuyết phục QH đấy” - ông Huệ nhấn mạnh.•
Ba dự án có tổng mức đầu tư khoảng 84.463 tỉ đồng. Chính phủ đề xuất QH được áp dụng Nghị quyết 43/2022 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có cơ chế về chỉ định thầu, giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần…