Chiều 14/5 (sáng 15/5 giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, phát biểu tại Đại học Harvard, bang Massachusetts, Mỹ.
Giới thiệu với các vị khách mời ngồi kín phòng họp, Giáo sư Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy, cho biết trong số 12 thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham gia chuyến công tác lần này, có tới 6 Bộ trưởng từng theo học tại Harvard.
Harvard đã thực hiện đối thoại chính sách với phía Việt Nam trong ba thập kỷ qua, chú trọng vào việc góp phần giải quyết những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong từng giai đoạn. "Việt Nam đang đối mặt với môi trường khó khăn hơn nhiều cả trong nước và quốc tế", ông nói.
Phát biểu tại Đại học Harvard, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Giải thích thêm, Thủ tướng nói, trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định trên nhiều phương diện, các nước phải chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm thiểu tác động trước những cú sốc từ bên ngoài trong quá trình hội nhập. Trong đó, độc lập, tự chủ không có nghĩa là đóng cửa, tự cung, tự cấp mà gắn liền với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế.
Độc lập, tự chủ về kinh tế gắn liền với độc lập, tự chủ về chính trị, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Việc tôn trọng sự khác biệt về điều kiện, đặc điểm chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội sẽ góp phần tạo ra sự đa dạng, phong phú của kinh tế toàn cầu và lợi thế quốc gia. Cùng với đó, Thủ tướng cũng đề cập tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng các quốc gia dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng là chủ trương nhất quán, kiên định, xuyên suốt của Việt Nam từ khi giành được độc lập dân tộc năm 1945, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, đầu những năm 1990 khi Chiến tranh lạnh kết thúc và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Việt Nam vừa hội nhập sâu rộng, vừa nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực nội tại, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các cú sốc từ bên ngoài như khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, đại dịch Covid-19 từ 2020.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng để góp phần giải quyết những vấn đề lớn đặt ra với Việt Nam; bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia; nâng cao thực lực, tiềm lực cho hội nhập sâu rộng, hiệu quả trong hệ thống kinh tế toàn cầu và thực hiện tốt các cam kết quốc tế.
Mục tiêu chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện, phải xây dựng nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, hiệu quả, bền vững; nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước
Các địa phương cũng phải tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phục hồi nhanh trong ngắn hạn và phát triển bền vững trong trung và dài hạn. Đặc biệt, ông cho biết, phải chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.
Ba trụ cột của nền kinh tế phát triển theo hướng này là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong đó, con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển.
"Cần xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển", Thủ tướng nói.
Muốn có nền kinh tế độc lập, tự chủ, Việt Nam xác định thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm. Đó là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hội nhập sâu rộng, thực chất; tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiết kiệm tài nguyên, tăng trưởng xanh.
Đồng thời, Việt Nam huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước; phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại. Người đứng đầu Chính phủ nói, Đại học Fulbright và Chương trình Lãnh đạo quản lý cấp cao (VELP) do Đại học Harvard và các cơ quan Chính phủ Việt Nam phối hợp triển khai có vai trò quan trọng. Việt Nam mong muốn nhân rộng mô hình này với các trường đại học nổi tiếng khác của Mỹ và thế giới, với cách làm mới hơn, hiệu quả hơn.
Sau bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự buổi tọa đàm chính sách với giáo sư ĐH Harvard về định hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ từ hôm 11/5 để tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, đồng thời thăm và làm việc tại Mỹ, Liên Hợp Quốc, dự kiến kéo dài đến 17/5.
Tham gia đoàn đại biểu Việt Nam có nhiều lãnh đạo bộ, ngành, như Bộ trưởng Công an, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thứ trưởng Quốc phòng.
Hoàng Thùy