Nghiên cứu sinh Phan Thị Ngàn (thứ 4 từ trái qua) tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ - Ảnh: gass.edu.vn
Nghiên cứu sinh Phan Thị Ngàn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp học viện, ngành nhân học tại Học viện Khoa học xã hội (Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam) với đề tài "Ẩm thực người Việt gắn với du lịch ở tỉnh Bến Tre hiện nay" vào ngày 9-2-2022.
"Nhiều sạn, chưa hợp quy chuẩn luận án tiến sĩ"
Tuy nhiên, sau đó nhiều ý kiến cho rằng luận án này "nhiều sạn và chưa hợp với quy chuẩn chất lượng của một luận án tiến sĩ". Một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, du lịch Bến Tre cho biết: "Trang 52 luận án có nêu "Các mắm phổ biến là mắm tép, mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm cá chốt, mắm cá sặc, mắm cua…".
Đây là sự sáng tạo của tác giả, người Bến Tre chỉ ăn mắm còng và mắm ba khía. Trang 54 ghi "Người dân Bến Tre có câu: Cá ngát sống cũng nhờ trái bần mà chết cũng vì trái bần". Nhận định này là phi thực tế và không am hiểu môi trường sống của các loài cá. Cá ngát sống ở tầng nước đáy và chuyên đào hang, không sống ở tầng nước trên".
Một phó giáo sư nhiều năm ngồi hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định: "Chủ đề của luận án hơi xa mã ngành nhân học. Bởi nhân học phải bám lấy trục chính là nghiên cứu vì con người và vì sự phát triển của con người. Trong nhân học có các nhánh nhân học văn hóa, nhân học kinh tế và nhân học du lịch, song luận án này khó xếp vào bất kỳ một trong ba nhánh trên. Phần này trách nhiệm chính thuộc về hội đồng xét duyệt đề tài luận án".
Cũng theo chuyên gia này, tên đề tài luận án chỉ tập trung vấn đề ẩm thực gắn với du lịch chứ không phải toàn bộ hệ thống ẩm thực Bến Tre. Về hình thức, luận án vẫn còn nhiều lỗi hình thức, lỗi diễn đạt. Về nội dung tổng thể, tên đề tài và nội dung chưa thật sự khớp nhau. Luận án thiên về miêu tả, liệt kê hơn là phân tích, nghiên cứu. Nghiên cứu sinh chưa đặt ra các câu hỏi nghiên cứu thật sắc bén để cho thấy tính khoa học của đề tài và chưa có giả thuyết nghiên cứu để thấy những đóng góp mới về khoa học của luận án.
Tương tự, một phó giáo sư thành viên hội đồng khoa học ngành/liên ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng nhận xét chung về luận án trên: "Phần tổng quan, nghiên cứu sinh liệt kê nhiều công trình nghiên cứu nhưng không đi sâu phân tích. Phần mô tả món ăn Bến Tre viết theo văn phong báo chí, không phải học thuật; thiếu nguồn trích dẫn và trích dẫn tài liệu cũng sai; sai bản chất các món ăn của địa phương rất nhiều và đáng nói hơn là có quá nhiều lỗi chính tả. Luận án không nêu ra các luận điểm khoa học của các vấn đề đã nghiên cứu, phần đề xuất quá mơ hồ và chung chung".
Ngoài ra, các diễn đàn học thuật trên mạng xã hội cũng bàn tán xôn xao về luận án tiến sĩ này.
"Tôi phải bầm giập, lên bờ xuống ruộng"
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Ngàn cho biết bà trúng tuyển đầu vào nghiên cứu sinh năm 2018. Khi làm luận án nghiên cứu sinh phải trải qua nhiều hội đồng khác nhau từ cấp khoa, cấp cơ sở, cấp học viện… Các hội đồng đều có các giáo sư, phó giáo sư phản biện kín. Trước khi ra bảo vệ, các cấp đều có rà soát về trùng lặp theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo kết quả kiểm tra trùng lặp tài liệu của Trung tâm Công nghệ thông tin tư liệu - thư viện (Học viện Khoa học xã hội), luận án của nghiên cứu sinh Phan Thị Ngàn đã được kiểm tra 151 trang (toàn văn luận án này trên chuyên trang luận văn - luận án của Bộ GD-ĐT có tổng cộng 231 trang bao gồm danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục - PV), có tỉ lệ trùng lặp 4%, nguồn trùng lặp tiêu biểu là dữ liệu hệ thống, Wikipedia…
"Kết quả rà soát trùng lặp trong luận án của tôi có tỉ lệ nằm trong phạm vi cho phép. Tôi phải bầm giập, lên bờ xuống ruộng mới trải qua các hội đồng, từ bảo vệ các chuyên đề cho đến sau đó là bảo vệ luận án các cấp. Quá trình làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án của tôi được thực hiện nghiêm túc, rất cực khổ, đều trải qua hội đồng chứ không phải viết ra rồi tự công bố tôi là tiến sĩ. Do vậy, ý kiến của một vài cá nhân không thể phản bác lại kết luận của cả hội đồng được" - bà Ngàn khẳng định.
Lý giải về việc chuyên ngành nhân học nhưng tên đề tài luận án lại có hướng về du lịch, bà Ngàn cho biết trong nhân học có nhiều mảng và luận án này theo định hướng ứng dụng. Tên đề tài cũng là được hội đồng phản biện rất kỹ. Luận án nghiên cứu tổng thể về ẩm thực của người Việt ở Bến Tre, xem xét thực trạng khai thác ẩm thực trong hoạt động du lịch tại Bến Tre, từ đó chỉ ra những vấn đề còn bất cập và đưa ra các đề xuất kiến nghị để khai thác tốt hơn giá trị văn hóa ẩm thực trong hoạt động du lịch tại địa phương.
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu của đề tài luận án, nghiên cứu sinh sử dụng các phương pháp: nghiên cứu tài liệu, điền dã dân tộc học, điều tra bảng hỏi, phân tích số liệu điều tra…Khi ra hội đồng, các nhà khoa học đã thẩm định rất kỹ việc sử dụng các phương pháp đó có phù hợp với chuyên ngành hay không.
Về những phản ánh luận án có nhiều "sạn" (sai chính tả, nhiều câu không đúng ngữ pháp…), bà Ngàn cũng cho biết: "Trước khi ra bảo vệ, hội đồng cũng đã đánh giá cả về nội dung và hình thức của luận án. Tất cả những việc này đều được hội đồng xem xét, đồng ý thông qua. Nếu câu chữ không đúng sẽ bị hội đồng gạch hết và yêu cầu chỉnh sửa.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng luận án chỉ kết thúc một quá trình học tập nhưng cũng là bước đầu để mở ra quá trình nghiên cứu chứ không phải là cái gì đó vĩ đại và hoàn thiện hết cả. Cho nên trong luận án luôn có câu "nếu có gì sai sót nghiên cứu sinh xin tiếp thu để chỉnh sửa hoàn thiện hơn". Và sau đó, nghiên cứu sinh thường có thêm một quá trình để hoàn thiện luận án và công trình nghiên cứu của mình".
Về một số nội dung đề cập trong luận án được cho là không chuẩn như mắm cua, cá ngát… trái bần, bà Ngàn giải thích: "Luận án nghiên cứu về ẩm thực ở một địa phương Nam Bộ nên có nhiều từ khi đưa vào luận án người đọc ở các địa phương khác không hiểu. Đây là quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề khác nhau… nhưng khi ra hội đồng không yêu cầu chỉnh sửa thì có nghĩa là được chấp nhận".
Thông tin luận án của nghiên cứu sinh Phan Thị Ngàn trên cổng luận văn - luận án của Bộ GD-ĐT
Người hướng dẫn nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Thanh Bình, người hướng dẫn khoa học cho nghiên cứu sinh Phan Thị Ngàn, khẳng định người hướng dẫn đều tuân thủ các quy định. "Bản thân tôi là người làm việc như thế nào mọi người trong ngành đều biết. Tôi trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh này từ đầu đến cuối một cách rất nghiêm túc. Luận án nào cũng có điểm yếu, điểm mạnh, ai nhận xét cũng thế thôi. Chủ đề của luận án rất nhân học, đề tài này rất có ý nghĩa, bản thân nó mới của ngành và rất hay nên thầy cô nào cũng khen vì xứng tầm một luận án tiến sĩ", bà Bình khẳng định.
"Hội đồng đánh giá luận án có những đóng góp nhất định"
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà - chủ tịch hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp học viện, luận án của nghiên cứu sinh Phan Thị Ngàn đúng chuyên ngành nhân học và đáp ứng đủ các yêu cầu của một luận án tiến sĩ. Hội đồng đánh giá luận án này có những đóng góp nhất định, nhận diện thực trạng khai thác ẩm thực trong phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre.
"Theo quy trình đánh giá luận án, để nghiên cứu sinh có thể được bảo vệ luận án phải trải qua nhiều cấp đánh giá theo quy trình, quy định của Bộ GD-ĐT. Mỗi cấp hội đồng có 5-7 người đánh giá tổng quan đến các chuyên đề và có cả phản biện kín. Nếu chỉ có 1-2 người đánh giá luận án thì không thể so với các hội đồng gồm mấy chục người được. Bên cạnh đó, góc độ tiếp cận khi đánh giá luận án rất quan trọng, thường với lĩnh vực này nhưng tiếp cận dưới góc độ văn hóa học và góc độ nhân học sẽ khác nhau. Những đánh giá về luận án này không phải của cá nhân tôi mà của cả hội đồng, trong đó tôi là chủ tịch hội đồng. Khi đánh giá luận án, các phản biện hay ủy viên từ các cấp đều có sự đánh giá nhất định" - bà Hà nói.
TTO - Ở châu Âu, luận án tiến sĩ thường gắn liền với tên tuổi của người hướng dẫn. Người hướng dẫn cũng thường là người đưa ra đề tài nghiên cứu cho nghiên cứu sinh và là những giáo sư đã có kinh nghiệm trong môi trường nghiên cứu.