Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su ghi nhận tăng cả khối lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, cả nước xuất khẩu 406.803 tấn cao su, tăng 0,08%; thu về gần 715,4 triệu USD, tăng 6%; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.758,6 USD/tấn, tăng 6%.
Cho đến thời điểm hiện tại, giá cao su trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng tăng và đang neo ở mức cao. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su sẽ khiến giá mủ tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao. Điều này giúp Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị thu về.
Tuy vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp có sự phân hóa chủ yếu do ảnh hưởng bởi các khoản thu tài chính từ công ty con hay hoạt động khác như thanh lý cây cao su, đền bù đất... Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp cũng ghi nhận biến động về lợi nhuận vì các khoản kể trên.
Điều này cũng thể hiện trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cao su ngay quý đầu năm 2022.
Ở chiều tích cực, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) công báo báo cáo tài chính hợp nhất với doanh thu và lợi nhuận đều tăng nhẹ. Cụ thể, doanh thu thuần quý I đạt 4.893 tỷ đồng, gần như đi ngang so với doanh thu 4.850 tỷ đồng đạt được quý I năm ngoái.
Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ sản xuất kinh doanh mủ cao su đạt gần 3.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 61% vào tổng doanh thu và tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh thu từ chế biến gỗ cũng tăng 9% lên mức 964 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cao su giảm 40% về mức 475 tỷ đồng. Nhờ có thêm việc nhận bồi thường gần 300 tỷ đồng, Tập đoàn báo lãi quý I đạt 1.055 tỷ đồng, tăng 29%.
Nổi bật nhất trong nhóm doanh nghiệp ngành cao su, Công ty Cao su Phước Hoà (HoSE: PHR) công bố doanh thu vàlợi nhuận quý I đều tăng đột biến so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 365,5 tỷ đồng, tăng 30,5% lên 365,5 tỷ đồng.
Trong quý I, nhờ nhận tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án khu công nghiệp VSIP 3 hơn 289 tỷ đồng, doanh nghiệp báo lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, gấp 11,3 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng, gấp 11,3 lần.
Năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh với kỳ vọng đạt hơn 2.250 tỷ đồng doanh thu và 744 tỷ lợi nhuận sau thuế công ty mẹ. Chỉ tiêu doanh thu tăng gần 16% so với năm ngoái, trong khi lợi nhuận được dự báo tăng gần 56%. Như vậy, quý I/2022 Cao su Phước Hoà đã hoàn thành 16% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tương tự, Cao su Tân Biên (UpCOM: RTB) công bố sản lượng tiêu thụ quý đầu năm 2022 đạt 5.971 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu thuần đạt 235 tỷ đồng, tăng 33%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp đạt 84 tỷ đồng, tăng 64%. Biên lãi gộp cải thiện từ 29% lên 35,7%.
Cùng với đó, công ty thực hiện thanh lý cây cao su giúp lợi nhuận khác tăng mạnh từ 11,5 tỷ đồng lên 39,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 90 tỷ đồng, gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp trong ngành công bố doanh thu quý I tăng nhưng lợi nhuận lại giảm. Trong đó phải kể đến Cao su miền Nam (HoSE: CSM) khi công ty này ghi nhận doanh thu đạt 1.229 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 26,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 44,3 tỷ đồng về 120,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 31,5%, tương ứng giảm 37,87 tỷ đồng về 82 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Dù đã tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng do tốc độ tăng giá vốn cao hơn tốc độ tăng doanh thu dẫn tới lợi nhuận sau thuế của Cao su miền Nam đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ lợi nhuận lao dốc, quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm thêm 100,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 443,3 tỷ đồng. Công ty đã phải huy động dòng tiền tài chính dương 264,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Trong năm 2022, công ty dự kiến doanh thu 4.954 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế dự kiến 101 tỷ đồng, tăng 83% so với thực hiện trong năm 2021.
Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) cũng công bố sản lượng tiêu thụ quý I đạt 2.164 tấn, tăng 29,3% so với quý I/2021. Song, giá bán bình quân giảm từ 46,5 triệu đồng/tấn xuống 42,2 triệu đồng/tấn, tức giảm 9,2%. Mặt khác, doanh thu hoạt động cho thuê bất động sản ở công ty con (Công ty CP Khu công nghiệp Bắc Đồng Nai) cũng giảm.
Do vậy, doanh thu hợp nhất quý I tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước đạt 204 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 33,17% xuống 27,3%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính đạt 46,5 tỷ đồng, giảm 14,4%. Trừ các chi phí, công ty báo lãi sau thuế giảm 9%, đạt 46,6 tỷ đồng.
Tương tự, sản lượng tiêu thụ của Cao su Bà Rịa (UpCOM: BRR) quý I đạt 1.596 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Song, giá bán bình quân giảm 2,5% về mức 41,89 triệu đồng/tấn. Theo đó, doanh thu tăng 32% đạt 70 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 37% xuống 11 tỷ đồng do chi phí tăng cao và hụt thu từ hoạt động tài chính cùng hoạt động khác.
Cao su Tây Ninh (HoSE: TRC) cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại sụt giảm mạnh, ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt 120,5 tỷ đồng tăng 19,5% so với cùng kỳ. Trong kỳ, công ty chỉ ghi nhận vỏn vẹn 91 triệu đồng doanh thu tài chính (cùng kỳ 2021 ghi nhận 385 triệu đồng), trong khi đó chi phí tài chính lại tăng gấp đôi lên gần 3,1 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 48% và hơn 24% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý khoản lợi nhuận khác trong quý I/2022 ghi nhận 9,4 tỷ đồng – sụt giảm chưa bằng 1/3 khoản lợi nhuận khác đạt được trong quý I/2021, chủ yếu do tài sản cố định thanh lý sụt giảm. Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí, Cao su Tây Ninh lãi sau thuế hơn 5 tỷ đồng giảm hơn 78% so với quý 1/2021 – mức lãi thấp nhất trong vòng 4 năm qua.