Trong chương trình của CBS hôm 15/5, Blankfein nhận định rủi ro kinh tế Mỹ hướng đến một cuộc suy thoái hiện là "rất, rất cao" và điều này "không còn là đồn đoán nữa". "Nếu đang điều hành một công ty lớn, tôi sẽ chuẩn bị cho điều đó", ông đưa ra lời khuyên, "Còn nếu là người tiêu dùng, tôi cũng sẽ làm vậy".
Tuy nhiên, ông cho rằng Mỹ vẫn có "cánh cửa hẹp" để thoát. Ông nhận xét Cục Dự trữ liên bang Mỹ "có các công cụ rất mạnh" để ghìm lạm phát" và "đã phản ứng tốt".
Blankfein nói rằng các gói kích thích khổng lồ của chính phủ nhằm xoa dịu tác động kinh tế từ đại dịch, cũng như các vấn đề về chuỗi cung ứng, phong tỏa tại Trung Quốc và chiến sự Ukraine đã góp phần đẩy lạm phát lên cao.
Việc giá nhiên liệu cao và sữa công thức thiếu hụt cho thấy cuộc sống của người Mỹ đang không hề dễ chịu. Niềm tin tiêu dùng tại nước này đã giảm hồi đầu tháng, xuống thấp nhất kể từ năm 2011. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, đã chậm lại so với tháng 3 nhưng vẫn ở mức cao nhất vài chục năm qua.
Những bình luận của Blankfein được đưa ra cùng ngày với việc các nhà kinh tế học của ngân hàng này hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ năm nay và năm tới, do các biến động gần đây trên thị trường tài chính. Nhóm nghiên cứu của Goldman hiện cho rằng GDP Mỹ có thể chỉ tăng 2,4% năm nay và 1,6% năm tới. Các số liệu này giảm so với dự báo trước đó là 2,6% và 2,2%.
Báo cáo cho rằng đây là "sự chậm lại cần thiết" để hạ nhiệt tăng trưởng tiền lương và kiềm chế lạm phát. Dù việc này có thể kéo tỷ lệ thất nghiệp lên, Goldman lạc quan rằng con số này sẽ không lên quá cao.
Blankfein khẳng định dù lạm phát "sẽ đỡ phần nào" khi chuỗi cung ứng bớt tắc nghẽn và các lệnh phong tỏa vì Covid-19 ở Trung Quốc được nới lỏng, "một số thứ sẽ vẫn giữ ở mức cao, như giá năng lượng".
Hà Thu (theo Bloomberg)