Dầu tăng do triển vọng nhu cầu mạnh lên
Giá dầu tăng trong phiên vừa qua do thị trường lạc quan rằng nhu cầu ở Trung Quốc sẽ phục hồi đáng kể sau những dấu hiệu tích cực cho thấy đại dịch Covid-19 ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nước này đang thuyên giảm.
Kết thúc phiên 16/5, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 7 tăng 2,69 USD lên 114,24 USD/thùng (tăng 2,4%), trong khi dầu thô Tây Texas (Mỹ) tăng 3,71 USD, tương đương 3,4%, lên 114,20 USD/thùng.
Hôm thứ Hai (16/5), một quan chức của Thượng Hải cho biết thành phố đặt mục tiêu mở cửa rộng rãi trở lại và cho phép mọi hoạt động của 25 cư dân thành phố trở lại bình thường từ ngày 1 tháng 6, sau khi tuyên bố rằng 15 trong số 16 quận của thành phố đã không còn các ca nhiễm COVID-19 bên ngoài khu vực cách ly.
Tuy nhiên, ước tính có 46 thành phố ở Trung Quốc đang bị đóng cửa, ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm, sản xuất của nhà máy và việc sử dụng năng lượng.
Vàng tăng do USD và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm
Giá vàng tăng nhẹ trong phiên vừa qua do lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trong bối cảnh USD cũng yếu đi.
Kết thúc phiên vừa qua, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.817,12 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 31 tháng 1, là 1.786,60 USD, bởi nhà đầu tư tập trung vào việc ngân hàng trung ương Mỹ sắp tăng lãi suất. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 phiên này cũng tăng 0,3% lên 1,814 USD.
Chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, Bob Haberkorn, cho biết, xu hướng tăng nhẹ của giá vàng là do lợi suất kho bạc giảm và đồng đô la cũng yếu đi chút ít.
Đồng USD giảm trong phiên 16/5 nhưng vẫn giữ gần mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ, khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với người mua ở nước ngoài.
Đồng, nhôm tăng do kỳ vọng nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc
Giá kim loại công nghiệp tăng trong phiên 16/5 do Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – có kế hoạch giảm bớt các hạn chế chống COVID-19, làm tăng kỳ vọng về nhu cầu phục hồi, nhưng những tác động tiêu cực của chính sách phong tỏa trong thời gian qua đối với tăng trưởng kinh tế đã hạn chế mức tăng.
Lúc kết thúc phiên 16/5, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1% lên 9.254 USD/tấn; trong khi nhôm tăng 1,4% lên 2.828 USD/tấn, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong một tuần là 2.865 USD/tấn.
Lượng nhôm lưu trong các kho được phê duyệt của sàn LME hiện đang ở mức thấp nhất gần 17 năm, là 532.500 tấn, và lượng nhôm dự trữ có bảo hành thấp kỷ lục - ở mức 260.075 tấn phản ánh sự thắt chặt của thị trường nhôm bên ngoài Trung Quốc.
Lúa mì tăng kịch trần, ngô và đậu tương cũng tăng
Giá lúa mì Mỹ trên sàn Chicago tăng kịch trần trong phiên vừa qua, thêm 70 US cent, do việc Ấn Độ cấm xuất khẩu loại ngũ cốc này – một sự thay đổi chính sách đột ngột làm dấy lên lo ngại về nguồn cung trên toàn cầu trong khi nguồn cung vốn đã căng thẳng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Giá các hợp đồng lúa mì đỏ mềm vụ đông trên sàn Chicago tất cả các kỳ hạn đều đạt mức kịch trần.
Theo đó, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông kết thúc phiên tăng 70 US cent lên 12,47-1/2 USD/bushel, so với mức kỷ lục 13,63-1/2 USD hồi mùa xuân này.
Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, được thúc đẩy bởi một đợt nắng nóng làm giảm triển vọng thu hoạch và khiến giá trong nước tăng cao, đã gây lo ngại về khả năng xuất khẩu lúa mì của nước này trong năm tới.
Giá ngô trên sàn Chicago phiên này cũng tăng 28-1/4 cent lên 8,09-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương tăng 10 cent lên 16,56-1/2 USD/bushel.
Cà phê arabica tăng 5% theo dự báo về đợt giá lạnh ở Brazil
Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai trên sàn ICE kết thúc phiên tăng 5% do dự báo Brazil sắp đón một đợt không khí lạnh có nguy cơ gây băng giá.
Theo đó, cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 kết thúc phiên tăng 10,9 cent, tương đương 5,1%, lên 2,248 USD/lb, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong ba tuần là 2,2620 USD.
Cà phê robusta giao cùng kỳ hạn phiên này cũng tăng 47 USD, tương đương 2,3% lên 2.087 USD/tấn.
Cao su hồi phục
Giá cao su kỳ hạn tương lai giao dịch trên thị trường Nhật Bản phục hồi từ mức thấp nhất 8-1/2 tuần, trong khi khi giá cao su kỳ hạn tương lai tại Thượng Hải cũng tăng lên do hoạt động mua gia tăng trong bối cảnh hy vọng nhu cầu sẽ tăng ở khách mua hàng đầu, Trung Quốc, bất chấp các chỉ số kinh tế của nước này đang trì trệ.
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng cao su tham chiếu (kỳ hạn tháng 10) trên sàn Osaka tăng 3,1 yên, tương đương 1,3%, lên 244 yên (1,9 USD)/kg. Thứ sáu tuần trước (13/5), hợp đồng này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 15 tháng 3 là 240,4 yên.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng tăng 275 nhân dân tệ lên 13.070 nhân dân tệ (1.922 USD)/tấn.
Quặng sắt và thép hồi phục
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc hồi phục do lo ngại về nguồn cung, lượng tồn trữ ở cảng biển nước này giảm, và một số hạn chế chống COVID-19 được nới lỏng.
Hợp đồng quặng sắt tháng 9, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc, kết thúc phiên tăng 3,9% lên 834,50 nhân dân tệ (122,80 USD)/tấn, sau khi tuần trước giảm giá nhiều nhất trong vòng gần 3 tháng.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng giao dịch tháng 6 tăng 1,3% lên 128,60 USD/tấn.
Dự trữ quặng sắt tại các cảng ở Trung Quốc tính đến ngày 13/5 ở mức 141,75 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 10, theo dữ liệu từ công ty tư vấn SteelHome.
Giá thép phiên này cũng tăng, với thanh vằn trên sàn Thượng Hải tăng 1,4%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1% và thép không gỉ tăng 1,9%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 17/5:
Theo Minh Quân
Nhịp Sống Kinh tế