Dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc (BOT cầu Bình Lợi) là dự án BOT đường thủy đầu tiên nhưng đang đối mặt nguy cơ phá sản - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị như vậy sau khi nghe ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan tại cuộc họp về các dự án BOT giao thông ngày 17-5.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Kim Thành, vụ trưởng Vụ đối tác công - tư của Bộ Giao thông vận tải, cho biết từ năm 2018 Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ ngành, địa phương đã rà soát tổng thể các dự án BOT giao thông. Đến nay có 14 dự án đã được xử lý vướng mắc, bất cập, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và việc thu phí hoàn vốn cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, hiện còn 7 dự án BOT giao thông cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng vượt thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải vì cần bổ sung vốn nhà nước. Đây là các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí hoặc đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, không thể lường trước hoặc do thay đổi chính sách từ phía cơ quan nhà nước…
Ông Thành cho biết, các dự án BOT giai đoạn trước đây do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư nên thẩm quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thuộc Thủ tướng. Trường hợp Nhà nước cần bố trí khoảng 11.710 tỉ đồng ngân sách để giải quyết bất cập tại 7 dự án BOT phải trình Quốc hội quyết định chủ trương.
Theo ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu giải quyết được vấn đề BOT sẽ giải quyết được vấn đề rất lớn của đất nước hiện nay là nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng theo chủ trương xã hội hóa. Nếu không giải quyết được, các ngân hàng thương mại sẽ ngại cho vay với BOT giao thông. Đây là vấn đề cấp thiết cần tập trung giải quyết.
Ngoài 7 dự án BOT nói trên, ông Tú cho biết nhiều dự án BOT khác cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc cần xử lý. Theo các nhà đầu tư, vướng mắc mà họ gặp phải là từ lý do khách quan bởi cơ chế, chính sách và sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải lỗi của nhà đầu tư.
Ông Tú kiến nghị Chính phủ cần quan tâm đến các dự án này để tránh vốn vay của dự án chuyển thành nợ xấu khiến doanh nghiệp càng khó khăn vì không thể huy động nguồn vốn khác.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan liên quan để rà soát, phân loại các dự án BOT gặp vướng mắc theo nhóm để kiến nghị các giải pháp, báo cáo Thủ tướng xử lý theo thẩm quyền. Quan điểm của Phó thủ tướng Lê Văn Thành là không thể để doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng làm dự án BOT phải phá sản vì không thu được phí.
Sau chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao vụ trưởng Vụ đối tác công - tư trong tháng 5-2022 phải có báo cáo chi tiết các dự án trạm BOT gặp vướng mắc để trình Thủ tướng thống nhất giải pháp xử lý.
Theo Bộ Giao thông vận tải, 7 dự án BOT cần xử lý bất cập, vướng mắc gồm: dự án BOT hầm đường bộ qua đèo Cả (trạm thu phí La Sơn - Túy Loan); dự án BOT đường vành đai phía tây thành phố Thanh Hóa (trạm thu phí Bỉm Sơn); dự án BOT đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km 1.738+148 đến km 1.763+610 (trạm thu phí km 1.747); dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 (trạm thu phí T2); dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 (trạm thu phí quốc lộ 3); dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng (trạm thu phí cầu Thái Hà); dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc (thu phí tàu vận tải).
TTO - Do gặp nhiều vướng mắc, dự án BOT cầu Bình Lợi không thể hoàn thành mục tiêu, phương án thu phí hoàn vốn không khả thi và phương án tài chính phá sản, nhà đầu tư không có nguồn để trả nợ.