Bùng binh cây liễu và Thương xá TAX với hai mặt tiền là đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi (tháng 5-2006) - Ảnh: T.T.D.
Đây là một ý kiến góp ý cho việc UBND TP.HCM yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu phương án tái lập nút giao thông Lê Lợi - Nguyễn Huệ kết hợp với tái lập mặt đường Lê Lợi.
Tái tổ chức giao thông
Đường Lê Lợi bị rào chắn 7 năm để thi công các công trình trong dự án tuyến metro số 1, nay đã được trả lại cho chức năng giao thông.
Một cán bộ khối đô thị của TP.HCM cho biết chỉ đạo trên của chủ tịch UBND TP hướng đến việc tái lập tổ chức giao thông cơ giới cho nút giao thông Lê Lợi - Nguyễn Huệ chứ không nhằm vào việc tái lập cảnh quan hay hình ảnh vòng xoay bùng binh cây liễu trước đây.
Hai tuyến đường trên là những trục giao thông lớn của trung tâm TP, lâu nay bị ách tắc vì thi công công trình tuyến metro số 1, xe cộ từ đường Lê Lợi không thể đi thẳng qua phía Nhà hát TP.
Theo vị cán bộ này, đường Lê Lợi chưa có kế hoạch làm phố đi bộ trong tương lai gần nên xe cộ vẫn lưu thông bình thường. Xung quanh nút giao thông này, các trụ rào trên đường Nguyễn Huệ được thiết kế dạng mềm, có thể biến đổi tùy theo công dụng của khu vực.
Vào cuối tuần, các trụ này có thể trồi lên thành rào chắn ngăn xe cộ vào phố đi bộ. Thời gian còn lại thì thụt xuống dưới để xe cộ lưu thông bình thường trên mặt đường.
Tạo dấu ấn kiến trúc - cảnh quan
PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, giám đốc Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển, cho rằng việc tái lập nút giao thông ở đây là hợp lý.
"Trước hết tôi thấy nút giao thông này là rất đẹp mà ở tất cả mọi góc nhìn, đứng từ tòa nhà nào ở trung tâm TP đều cũng thấy. Từ trong trụ sở UBND TP nhìn ra, nút giao thông này như một điểm nghỉ chuyển tiếp trước khi tầm mắt chạm đến dòng sông Sài Gòn phía xa xa, vừa hòa hợp với cảnh quan sông nước lại phù hợp với công trường Quách Thị Trang phía cuối đường Lê Lợi", TS Quỳnh Trân nhận định.
Về kiến trúc, hình dáng của nút giao thông này, theo bà Trân, nên ứng dụng kiến trúc hài hòa với không gian xung quanh trong thời điểm hiện tại vì nhiều công trình xung quanh nút giao thông này đã được xây mới với mặt ngoài bằng kính và sơn nước.
Nút giao thông này quan trọng trong khu trung tâm TP, lại là khu vực được nhiều người biết đến, quan tâm đặc biệt nên việc thiết kế, tổ chức cần cân nhắc. Cơ quan chức năng nên tổ chức một cuộc thi thiết kế để lấy ý tưởng từ cộng đồng.
Bà Trân cũng cho rằng tái lập lại nút giao thông thì trước hết nên tái lập cái hồn của nút giao thông, có cây xanh, có chuyển động, lưu thông. Hơn nữa, hai trục đường của nút giao này, một dẫn ra sông Sài Gòn, một dẫn về đường ra Chợ Lớn.
Nếu sau này đường Lê Lợi tổ chức thành phố đi bộ, thì điểm giao nhau này vẫn nên được tổ chức cho xe cộ chạy song song với người đi bộ.
Năm 2014, vòng xoay cây liễu tại nút giao thông Lê Lợi - Nguyễn Huệ bị phá bỏ khi TP.HCM làm phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Cách đây mấy năm, trong phương án cải tạo đường Lê Lợi giai đoạn 1 đã xây dựng nơi đây một hồ nước có đài phun nước như một cảnh quan bổ sung cho hoạt động của phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Hiện Sở GTVT đang xây dựng phương án tái lập nút giao thông, tức tính toán phương án tổ chức giao thông đi ngang hồ nước này. Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM, sở này phải báo cáo phương án cho UBND TP trước ngày 20-5.
TTO - Chính quyền TP.HCM vừa quyết định tái lập giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ cũng như mặt đường đại lộ Lê Lợi. Đó là một tin vui không chỉ cho những người bấy lâu lưu giữ ký ức Sài Gòn xưa mà còn với bất kỳ ai yêu thành phố này.