Ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông - Ảnh: ĐAN THUẦN
Ngày 18-5, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM tổ chức hướng dẫn UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC).
Theo ông Lâm Đình Thắng, với đặc thù đông dân, quy mô, đa dạng như TP.HCM, nếu không quản trị bằng công nghệ thì không thể điều hành có hiệu quả.
Thời gian qua nhiều địa phương đã rất chủ động trong việc đầu tư cho chuyển đổi số trong ứng dụng, cơ sở vật chất, nhân lực. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, trong đó quan trọng nhất là tình trạng "mạnh ai nấy làm" mà thiếu tính kết nối hệ thống, đồng bộ, chia sẻ.
"Lãnh đạo thành phố muốn có các dữ liệu của các địa phương để phân tích đánh giá thì chưa thể thông qua hệ thống công nghệ mà còn phải thông qua báo cáo bằng văn bản, rất bất cập trong thời gian vừa qua.
Hiện nay có tình trạng đầu tư trùng lắp, có những việc thành phố đã đầu tư rồi nhưng địa phương không biết. Hoặc địa phương này làm rồi có thể chia sẻ nhưng địa phương khác vẫn đầu tư. Cái nào thành phố đầu tư rồi thì địa phương không việc gì phải đầu tư nữa", ông Thắng nói.
Ông Thắng cho biết mục tiêu mà thành phố đề ra trong năm nay là mỗi địa phương cố gắng có một IOC. Ông Thắng khuyến khích các quận, huyện thuê dịch vụ để có đơn vị bảo hành, bảo dưỡng, cập nhật hệ thống theo yêu cầu, tránh tình trạng lạc hậu sau vài năm.
Ông Lê Quốc Cường - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - cho hay đến nay các địa phương đã có IOC là quận 1, 7, huyện Bình Chánh và thành phố Thủ Đức.
Theo ông Cường, sau 3 năm thông qua đề án đô thị thông minh, tốc độ triển khai còn chậm vì nhiều lý do. Tại buổi làm việc, sở đã lắng nghe, trao đổi với các quận huyện về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng IOC.
Theo chủ tịch FPT Trương Gia Bình, TP.HCM có nhiều tiềm năng bứt phá về kinh tế số bằng cách thu hút nhân tài, tăng đào tạo AI, IoT, đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số…