Nối tiếp diễn biến tích cực từ phiên tăng mạnh hôm 17/5, thị trường chứng khoán trong nước phiên 18/5 tiếp tục tăng điểm tốt, được hỗ trợ từ một số cổ phiếu trụ, cổ phiếu hàng hóa.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 18/5 với việc các chỉ số tiếp tục duy trì được sắc xanh. Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số nhanh chóng bị chặn lại. Nguyên nhân do áp lực chốt lời dâng cao. Đây là phiên T+3 của những nhà đầu tư bắt đáy phiên ngày 13/5. Hàng loạt các cổ phiếu lớn như SAB, VJC, NVL, VHM, VIC, VRE, PVS, PLX... đều chìm trong sắc đỏ, gây áp lực mạnh lên các chỉ số. Các cổ phiếu nhóm VN30 cũng ghi nhận giảm điểm.
Theo công văn mới đây của Cục cảnh sát điều tra C03, Thaigroup, công ty con của Thaiholdings phải hoàn trả 840 tỷ đồng đã giao dịch với Tập đoàn Tân Hoàng Minh liên quan đến thương vụ bán cổ phần tại Bình Minh Group - chủ sở hữu của dự án 11A Cát Linh, Hà Nội. Dự án 11A Cát Linh vốn được giới đầu tư đánh giá là lô đất kim cương với vị trí nút giao Cát Linh - Đặng Trần Côn, có diện tích 2.505 m2, cách ga metro Cát Linh - Hà Đông và metro Nhổn - Ga Hà Nội chỉ khoảng 500m và gần các địa điểm nổi tiếng như Sân vận động Hàng Đẫy, Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Thaigroup sẽ nhận lại cổ phần của Bình Minh Group sau khi hoàn trả tiền, kèm hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án. Sau thông tin này, THD phiên 18/5 giảm sâu 9,4% xuống chỉ còn 67.500 đồng/cổ phiếu..
Đến khoảng 10h sáng, các chỉ số sau khoảng thời gian ngắn điều chỉnh ở đầu phiên hiện đã cố sự hồi phục trở lại khi hàng loạt cổ phiếu lớn bứt phá. Đà tăng lan ra nhiều nhóm ngành trên sàn chứng khoán, sắc xanh dần chiếm ưu thế.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 12,39 điểm, tương ứng 1,01% lên 1.240,76 điểm. Toàn sàn có 272 mã tăng, 177 mã giảm và 64 mã đứng giá. HNX-Index giảm 5,6 điểm, tương ứng 1,78% xuống 309,84 điểm. Toàn sàn có 98 mã tăng, 96 mã giảm và 58 mã đứng giá, UPCoM-Index giảm 1,16 điểm, tương ứng 1,21% xuống 94,73 điểm.
Nhóm cổ phiếu trụ VN30 phiên ngày 18/5 ghi nhận 13 mã giảm, 10 mã tăng và 7 mã đứng giá. Trong đó, đáng chú ý nhất là MSN của Masan và STB của Sacombank tăng kịch trần để góp công lớn vào đà tăng chung. Đây cũng là 2 mã tăng trần của nhóm VN30. Ngoài ra còn có GAS bứt phá 4,1% và là mã tác động tích cực thứ 2 lên thị trường. Một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng tác động tích cực đến đà tăng chung như BID, TCB, SHB… Vẫn có một số mã ngân hàng giảm điểm là VPB, VCB, TPB, KLB…
Nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản tiếp tục bứt phá. BCM và DIG là 2 đại diện góp mặt trong những cổ phiếu tác động tích cực nhất tới thị trường, đều chạm trần. HDG, VGC, DXS… kết phiên trong sắc tím.
Tại nhóm cổ phiếu họ Vingroup, cả 3 mã VIC, VRE, VHM hôm nay đều đứng giá. Nhóm bán lẻ của DGW tăng trần, FRT tăng 4,4%, MWG tăng 1,4%, PNJ lại giảm 0,9%.
Nhóm cổ phiếu hàng hóa cũng có tác động tích cực đến chỉ số chung trong phiên ngày 18/5.. Cổ phiếu phân bón như DCM, DPM và LAS đã có lúc chạm giá trần. Cổ phiếu ngành thép là NKG bứt tốc 5,6%, TLH và SMC tăng 3%. Cổ phiếu hóa chất có DGC tiến thêm 5,3% và CSV có thêm 4,1%. Cổ phiếu cảng biển có HAH, PDN tăng trần, PJT tăng 5%, HTV tăgn 4,3%...
Các cổ phiếu đầu cơ có một phiên giao dịch khá tiêu cực khi chìm trong sắc đỏ. Nhóm FLC Group như ART và KLF đã tiến sát về giá sàn. FLC đóng cửa mất 4,2% và khớp lệnh hơn 10 triệu cổ phiếu; còn ROS, HAI, AMD mất 1,5-2%. Nhóm Apec ghi nhận APS đảo chiều giảm 9% và IDJ giảm 2,6%. Nhóm Louis có TGG mất 5,5%, BII giảm 4,6%.
Thị trường được bao phủ bởi sắc xanh nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. Điều này thể hiện ở việc thanh khoản thị trường phiên 18/5 ở mức tương đương phiên hôm qua với tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.162 tỷ đồng, tăng 0,11%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 1% và đạt 12.968 tỷ đồng. Dòng tiền phiên 18/5 chủ yếu tập trung cục bộ ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn như SSI, HPG, STB. Tổng giá trị giao dịch của riêng 3 mã này chiếm tới gần 14% thanh khoản toàn thị trường.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên 18/5 quay lại mua ròng gần 178 tỷ đồng. Nhóm này hôm nay mua vào 1.710 tỷ đồng trong khi bán ra 1.540 tỷ đồng. HPG, STB, VRE và chứng chỉ quỹ FUEVFVND là những cái tên được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh. Ngược lại, SSI là mã bị bán mạnh nhất với trị giá lên tới 129 tỷ đồng. Ngoài ra, một vài mã cũng bị bán khối lượng 20-30 tỷ đồng là VIC, NLG, KDH, VHM.