Cây vú sữa miền Nam được Bác Hồ trồng, chăm sóc vẫn đang rợp bóng mát bên cạnh nhà sàn - Ảnh: TÂM LÊ
"Đồng bào miền Nam ra thăm vườn Bác Hồ đều hỏi thăm cây vú sữa và cây dừa giờ ra sao. Chúng tôi luôn xúc động mỗi khi kể về những cây trái là tình cảm đồng bào miền Nam với Bác và ngược lại. Đồng thời, chúng tôi cũng tìm mọi cách để bảo tồn, vì có cây đã già rồi".
Chị Nguyễn Thị Hà, phó phòng bảo quản môi trường di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tâm sự.
Những "bảo vật" từ tấm lòng đồng bào
Trong vườn cây trái xanh mướt, chị Hà giới thiệu cho chúng tôi nhiều loại cây và hoa được đưa về từ vùng miền khác nhau của đất nước. Vườn cam, hàng cây dâm bụt đưa từ quê hương Nghệ An ra, cây vải Hải Dương, cây dừa ở Phú Thọ, cây vú sữa miền Nam.
Đặc biệt, trong số cây trái đồng bào miền Nam gửi tặng Bác được trồng ở vườn như dừa, xoài, bưởi thì cây vú sữa được quan tâm và kể chuyện nhiều nhất. Cuốn sách kể chuyện cây trong vườn Bác Hồ, cây vú sữa cũng được nhắc tới đầu tiên. Các cán bộ chăm sóc, bảo tồn và hướng dẫn viên giới thiệu cây vú sữa tới du khách đều kể chuyện chi tiết và đầy tự hào.
Hà Nội, đầu hè 2022, cây vú sữa trong vườn Bác đang trùm mát một phần mái ngôi nhà sàn. "Tiếc là hiện cây rất ít quả. Trước đó cây cho quả nhiều, ngon ngọt. Tôi vẫn nhớ lần nào những quả đầu chín đều được hái vào dâng lên Bác trước", chị Hà xúc động kể.
Còn hai cây dừa miền Nam phía trước sân vẫn đang lủng lẳng chùm quả cho nhiều nước ngọt mát. "Hai cây dừa này được đồng bào miền Nam gửi tặng và chính tay Bác trồng, chăm sóc. Chúng tôi được nghe kể nhiều, hiểu tình cảm của Bác nên rất trân quý và luôn xem các cây trái Bác trồng như bảo vật".
Chị Hà cũng cho biết du khách từ miền Nam tới đều hỏi thăm về hai cây dừa, cây vú sữa của quê hương. Họ đứng ngắm nhìn cây thật lâu, sợ cây không hợp khí hậu nên thường hỏi việc chăm sóc như thế nào.
Và trong dòng khách tấp nập hôm 18-5, chúng tôi đã gặp đôi vợ chồng lớn tuổi tới từ tỉnh Bình Phước đứng rất lâu dưới tán cây vú sữa.
"Đây là lần thứ ba chúng tôi ghé thăm vườn Bác và lần nào chúng tôi cũng xúc động ngắm nhìn cây vú sữa, cây dừa của tấm lòng người miền Nam gửi tặng Bác. Từ đáy lòng, tôi rất xúc động vì Bác đã trồng cây ngay cạnh nơi làm việc của mình", bà Nguyễn Thị Thành vui vẻ tâm sự.
Cây vú sữa được nhân giống từ khu vườn của Bác Hồ đang xanh tốt, cho trái ngọt ở Cà Mau - Ảnh: QUỐC RIN
Bảo tồn cây quý của Bác
Hiện nay, chị Nguyễn Thị Hà cùng tổ hơn 10 nhân viên làm nhiệm vụ bảo quản môi trường di tích, chính là những người trực tiếp chăm sóc cây trong khu vườn của Bác. Hôm nay, các chị dậy sớm hơn, tưới tắm cây trái vườn để đón các đoàn khách.
Chị Hà kể cây vú sữa và cây dừa đã trở thành "cổ thụ" nên không cần chăm sóc hằng ngày nữa, nhưng phải kiểm tra sâu đục thân, nấm và bổ sung dinh dưỡng cho cây theo định kỳ. Riêng cây vú sữa, đã có những cuộc họp bàn để chăm sóc bảo tồn cây quý này.
Chị Hà học ở Trường ĐH Nông nghiệp, đã có 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc, bảo tồn cây. Chị đã có báo cáo chi tiết và đề xuất phương pháp bảo tồn cây vú sữa.
"Vú sữa là cây ăn quả lâu năm, chăm sóc tốt thì 7 năm cây bắt đầu ra quả và cho thu hoạch trong vòng 30 - 40 năm. Vào những năm 1980, cây vú sữa này vẫn ra quả. Đến những năm 1990, cây bắt đầu ra quả cách năm, ít và nhỏ, quả thâm và khô dần trên cây rồi héo rụng...
Do cây vú sữa đã già cỗi, lại sinh trưởng và phát triển trong môi trường khí hậu, đất đai không phù hợp ở miền Bắc dễ khiến cây sinh mối mọt, sâu bệnh. Môi trường xung quanh nhiều cây cổ thụ như xoài, xà cừ dẫn đến việc thiếu ánh sáng cho cây quang hợp", chị Hà cho biết.
Phương pháp khắc phục nhằm kéo dài tuổi thọ của cây vú sữa được chị Hà đưa ra là nhanh chóng cưa bớt cành những cây xung quanh, tạo không gian thông thoáng để có ánh sáng cần thiết cho cây vú sữa quang hợp.
Hằng năm, cây vú sữa cũng cần cắt tỉa cành tăm, cành sâu bệnh, cây tầm gửi và phun phân bón lá, thuốc kích thích để bộ lá được xanh tốt, kích thích mầm non phát triển. Rồi đào rãnh theo vòng cây để bón phân và thường xuyên kiểm tra sâu đục thân, nấm mọt để xử lý.
Cái khó nhất, chị Hà cho biết về việc chăm sóc các cây trong vườn Bác là dùng thuốc sinh học, hữu cơ, không được dùng hóa chất nên phải kiên trì xử lý.
Cách xử lý cũng phải thủ công: "Nếu cây bị sâu đục thân, thay vì đục khoét lỗ, dùng cưa cắt xẻ thì chúng tôi phải dùng một que sắt nhỏ lồng đưa thuốc vào bên trong để bảo vệ thân, hình dáng cây nguyên vẹn", chị Hà cười nói.
Chị Hà tự hào về công việc chăm sóc cây trong khu vườn Bác chính là vì tấm lòng của đồng bào cả nước đối với Bác và tình cảm của Bác đối với đồng bào. "Bác dạy chúng ta yêu thương con người, quý trọng thiên nhiên, cách ứng xử của con người với cây cối rất ý nghĩa".
Hiện nay, khu vườn Bác có 1.922 cây, trong đó có 33 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, còn lại là các cây cảnh, cây trang trí và hoa.
Mùa xuân năm 1955, cây vú sữa được bà mẹ liệt sĩ Lê Thị Sảnh (còn gọi là mẹ Tư Tố, ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) gửi chỉ huy đại đội 370 pháo binh, tiểu đoàn 307, đưa ra trao cho đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh kính tặng Bác.
Trong chuyện kể Bác chăm sóc cây vú sữa, xúc động nhất đoạn Bác sợ cây lạnh đã cho người đan rơm dưới gốc cây giữ ấm. Đoạn Bác yêu cầu cán bộ bứng cây đưa về nhà sàn, nơi Bác làm việc, nghỉ ngơi để ngày ngày Bác được chăm sóc và ngắm cây cho khuây nỗi nhớ đồng bào miền Nam.
"Huyện Thới Bình nhận được hai cây vú sữa nhân giống từ gốc vú sữa miền Nam ngoài lăng Bác đúng dịp 100 năm kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 19-5-1990. Một cây được gửi tặng lại gia đình mẹ Lê Thị Sảnh, một cây được trồng tại phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thới Bình.
Quá trình chăm sóc cây vú sữa có lúc tưởng như không giữ được, nhưng mọi người quyết tâm gìn giữ món quà thiêng liêng này, địa phương đã tìm nhiều cách để cứu cây. Đến nay, cây vú sữa ấy đã xanh tốt, trĩu quả" - ông Nguyễn Văn Trung, chủ tịch UBND xã Trí Lực, huyện Thới Bình, cho biết.
TTO - Anh Phan Văn Minh (phó bí thư Đoàn Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM) và cô giáo trẻ Phạm Hồng Hạnh (Trường THCS - THPT Diên Hồng, quận 10) có nhiều cách lan tỏa việc học và làm theo lời Bác đến với học sinh và đông đảo bạn trẻ.
Xem thêm: mth.50884759091502202-oig-yab-ya-yagn-cab-nouv-o-man-neim-iart-yac/nv.ertiout