Áp lực cạnh tranh
Theo các số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2021, Việt Nam mới chỉ có hơn 300 doanh nghiệp thuần Việt là nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Việc các doanh nghiệp Việt Nam không tham gia sâu được vào chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề.
Thứ nhất, xuất khẩu của Việt Nam mặc dù rất đáng tự hào ngay trong đợt bùng phát dịch Covid-19 trong các năm 2020 và 2021, nhưng khối FDI lại chiếm tới trên 70% thành tích xuất khẩu nói trên.
Thứ hai, là lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và thương mại quốc tế của Việt Nam nói chung vẫn dựa trên lợi thế về giá cả do các ưu đãi và lợi thế truyền thống (chủ yếu là do các chính sách ưu đãi, miễn giảm và giá công nhân duy trì thấp trong các lĩnh vực sản xuất gia công - lắp ráp là chính) chứ không phải dựa vào nâng cao giá trị (nhất là giá trị gia tăng từ cấu phần sản xuất trong nước).
Và thứ ba, là lợi thế so sánh của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu có nguy cơ bị tụt hậu trong bối cảnh áp lực cạnh tranh về sản xuất và thương mại quốc tế ngày càng gay gắt.
Theo kết quả nghiên cứu của VEPR, trong giai đoạn 2010-2019, Việt Nam có lợi thế so sánh (RCA) trong 9/20 nhóm ngành. Tuy nhiên, đến năm 2020, Việt Nam chỉ còn lợi thế với 6 nhóm ngành; trong đó ngành duy nhất Việt Nam có sự gia tăng RCA là ngành điện tử, các ngành khác đều bị tụt thứ hạng lợi thế so sánh; trong đó có các lĩnh vực sản xuất truyền thống với sự tập trung khá lớn của khu vực FDI như dệt may, da giày, máy móc, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Ngay cả lĩnh vực điện tử có sự gia tăng lợi thế so sánh, thì sự gia tăng này lại cũng phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam (mà cụ thể là Samsung). Cũng chính vì sự phụ thuộc các doanh nghiệp FDI, nên hầu hết các sản phẩm xuất khẩu đều có giá trị gia tăng lẫn độ phức tạp về sản phẩm không cao, công nghệ trung bình hoặc thấp, chuyên môn hoá thấp và có thể sản xuất bởi nhiều đối thủ cạnh tranh. Kết quả là những lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam cũng kém bền vững trong bối cảnh áp lực cạnh tranh quốc tế trong việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Còn nhiều hạn chế
Nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp Việt "chen chân" được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam còn hạn chế có thể kể đến như:
Thứ nhất, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và năng lực cạnh tranh còn rất hạn chế. Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp đăng ký, tạo ra khoảng 60% GDP, tạo ra hơn 90% việc làm cho người lao động (Sách trắng doanh nghiệp 2020). Theo nghiên cứu của VEPR thì một trong những chỉ số phản ánh năng suất và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp ngành điện tử là chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của khu vực FDI cao hơn hẳn (thậm chí vượt trội) so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Việt Nam.
Thứ hai, không những TFP trong khu vực doanh nghiệp trong nước thấp mà tốc độ tăng TFP cũng không cao. Tốc độ tăng TFP là do tác động của các nhân tố như: đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của công nhân … từ đó cũng suy ra những yếu tố kể trên trong khu vực doanh nghiệp của Việt Nam rất thua kém so với các Doanh nghiệp FDI. Với năng lực nội tại thua kém như vậy thì khó có thể đòi hỏi các doanh nghiệp có vốn FDI chấp nhận sự tham gia của các doanh nghiệp "nội" vào "sân chơi" chung của họ. Các doanh nghiệp nước ngoài thường được xem là hoạt động hiệu quả hơn, áp dụng công nghệ, máy móc, quy trình quản lý hiện đại hơn.
Thứ ba, bản thân tính liên kết giữa các doanh nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, có thể nói là còn yếu. Tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp nội thường chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu "mạnh ai, người ấy làm" hoặc "làm tất, ăn cả"; chỉ quan tâm đến việc tìm manh mối làm ăn cho riêng mình, cũng chưa nhận thức được đầy đủ những lợi ích to lớn của việc liên kết thành cộng đồng doanh nghiệp nội địa hoặc giữa doanh nghiệp nội với các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí ngay cả trong những lĩnh vực có thế mạnh (ví dụ như chuỗi sản xuất thực phẩm/nông sản xuất khẩu).
Nếu có thể tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị và cả liên kết ngang trong các khu/cụm công nghiệp hiện có ở Việt Nam, thì chắc chắn doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều lợi ích to lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng và với hàm lượng công nghệ cao, cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất của mình, qua đó gia tăng TFP trong toàn bộ các ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài ra bản thân các doanh nghiệp nội khi tham gia vào các liên kết với các công ty đa quốc gia lớn thì còn học tập được về công nghệ, tiếp cận các tiêu chuẩn sản xuất và kinh doanh, thậm chí là bí quyết của các đối tác.
Và như đã phân tích, chỉ có thể thông qua việc liên kết với các chuỗi giá trị/sản xuất toàn cầu, thì Việt Nam mới dần nâng cao trở lại các lợi thế so sánh trong sản xuất xuất khẩu và thương mại quốc tế. Nâng cao được lợi thế so sánh sẽ giúp cho việc mở rộng và tham gia sâu hơn/đa dạng hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu mới (cùng đó là sự trợ lực từ việc tham gia các hiệp định thương mại và đầu tư thế hệ mới).
Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp
Việc quan trọng nhất là phải có những chính sách ở các cấp cao nhất, thể chế hoá các chương trình và chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi giá trị/sản xuất/cung ứng toàn cầu. Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã khẳng định cần xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, để giúp các DNNVV trong nước nâng cao được năng lực cạnh tranh, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, trước hết là chi phí bất hợp lý phát sinh từ quản lý nhà nước;ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp nhằm cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh.
Thứ ba, cần có cơ chế hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi quan tâm tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước và tăng hàm lượng nội địa hóa; tiếp cận với quy trình, thủ tục đấu thầu, mua sắm của doanh nghiệp đầu chuỗi và được hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi…
Và cuối cùng, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân có môi trường phát triển tốt hơn, cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh;tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm hoạt động, quản lý từ các doanh nghiệp nước ngoài. Bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải tự đổi mới, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn để tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thêm 2 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào Liên minh Kinh tế Á-Âu
Ngày 09/5/2022, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản (NAFIQAD), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã có công văn 580/QLCL-CL1 về việc Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) bổ sung doanh nghiệp vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á - Âu.
Theo đó, FSVPS đã có văn bản thông báo bổ sung Công ty TNHH Hùng Cá (DL 126) và Xí nghiệp 3 - Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (DL 500) vào danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu kể từ ngày 4/5/2022.
Các mặt hàng xuất khẩu gồm cá tra đông lạnh; Phi lê cá (bao gồm thịt cá, chả cá) tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được sản xuất tại các cơ sở có mã số DL 126, DL 500.
Các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng thực hiện thẩm định cấp chứng thư cho các sản phẩm được sản xuất tại DL 126, DL 500. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp về các quy định về an toàn thực phẩm của Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu trong chế biến và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản vào thị trường này.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, dù phải đối mặt với những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với khu vực Á - Âu trong 11 tháng năm 2021 vẫn đạt 12,7 tỷ USD, tăng 13,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, tăng 10%; nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam và các nước Á - Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ hợp tác vững chắc, làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm 2 Hiệp định Thương mại tự do là Hiệp định với Liên minh kinh tế Á - Âu và Hiệp định EVFTA. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Á - Âu hợp tác trong những lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Để tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, theo phân tích của các chuyên gia, các doanh nghiệp cần chủ động khảo sát thị trường, tham gia nhiều hơn triển lãm chuyên ngành tại các nước sở tại. Một trong những vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu sang thị trường này chính là lựa chọn logistics hiệu quả.
Trong bối cảnh chi phí vận tải biển ngày một tăng, vận tải hàng không chi phí cao, thì vận tải bằng đường sắt ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Với thời gian vận chuyển ngắn hơn nhiều so với vận tải bằng đường biển, chi phí ngày càng phù hợp khi lượng hàng hóa gia tăng, tính ổn định và an toàn cao, vận chuyển hàng hóa thông qua tuyến đường sắt Á - Âu sẽ là một trong những lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước Á - Âu.
Hương Anh (tổng hợp)