Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm, tổng khối lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 4, khối lượng trái phiếu được mua lại là 11.900 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý I.
Số lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn tăng trong bối cảnh đầu tháng 4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 181 hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty con thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Ngoài ra, tập đoàn Apec và tập đoàn VSET buộc phải thu hồi trái phiếu đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền đã mua hoặc đưa tiền đặt cọc. Trong đó, Apec phải hoàn trả 500 tỷ đồng còn VSET là 208 tỷ đồng.
Lượng trái phiếu doanh nghiệp được chào bán trong tháng 4 giảm 33% so với cùng kỳ 2021 còn khoản 30.000 tỷ đồng. |
Cũng theo số liệu của Bộ Tài Chính, trong quý I, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 138.809 tỷ đồng. Khối lượng phát hành đó tập trung chủ yếu trong tháng 1, trước thời điểm Thông tư số 16/2021 quy định việc tổ chức tin dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiêp có hiệu lực.
Tháng 2 và 3, khối lượng trái phiếu phát hành giảm dần. Tuy nhiên, trong tháng 4, sau khi có những thông tin về việc hủy các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh, lượng trái phiếu doanh nghiệp được chào bán giảm 33% so với cùng kỳ 2021 còn khoảng 30.000 tỷ đồng.
Sau Chỉ thị số 01 của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn đã thực hiện rà soát lại điều kiện và hồ sơ phát hành trước khi triển khai chào bán mới. Theo đó, khối lượng phát hành trong hai tuần đầu tháng 5 tiếp tục giảm, đạt 5.200 tỷ đồng, chỉ tương đương 1/3 khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2021.
Doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là 2 nhóm phát hành nhiều nhất trong quý I, chiếm lần lượt 50,9% và 18,8%; các ngân hàng thương mại chiếm 4,85%; doanh nghiệp thương mại dịch vụ chiếm 6,8%; doanh nghiệp sản xuất chiếm 9,2%. Trong tháng 4, chủ yếu là trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành (chiếm 63,4%), trái phiếu của nhóm bất động sản chiếm 11,6%.
Trước đó, từ tháng 10/2021, UBCKNN đã tổ chức kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp bất động sản. Căn cứ kết quả kiểm tra, Ủy ban đã ban hành ba quyết định xử phạt vi phạm hành chính; chuyển cơ quan điều tra một trường hợp.
Trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra tại các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành có khối lượng phát hành lớn, tình hình tài chính yếu, mục đích phát hành không rõ ràng, trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo...
Theo Việt Hưng
NĐH