Loạn giá đất vùng ven TP Hồ Chí Minh
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh được tổ chức vào giữa tháng 4 vừa qua, hàng loạt biên bản ghi nhớ đầu tư, chứng nhận đầu tư đã được ký kết. Tổng giá trị các khoản đầu tư lên đến hơn 16 tỷ USD, thuộc nhiều lĩnh vực như: hạ tầng giao thông - kỹ thuật; chỉnh trang đô thị; công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và giáo dục, văn hóa, thể thao… Đây được xem là tiền đề tạo ra sự bứt phá về diện mạo cho 2 huyện ngoại thành này.
Lợi dụng tình hình này, các cò đất bằng nhiều chiêu trò đã thổi giá đất lên cao, có những nơi tăng tới 50% so với tháng trước và sốt đất vẫn đang có dấu hiệu nóng lên từng ngày.
Cò giới thiệu một khu đất ở huyện Củ Chi. (Ảnh: PLO)
Người dân địa phương như ông B cũng không khỏi bất ngờ vì giá đất tăng cao như vậy, đến nỗi ngay chính ông khi rao bán miếng đất của mình cũng tăng giá ảo theo thị trường. Mảnh đất 360 m2 của gia đình đang được ông rao bán với giá 40 triệu đồng/m2 và chỉ có khoảng hơn 100 m2 thổ cư.
"Giá đất tăng cao nên mình cũng kêu giá cao theo luôn. Mình báo giá vậy là để người ta trả giá, cho khỏi hớ", ông Nguyễn Văn B chia sẻ.
Từ 2 - 5 triệu đồng/m2 đất vườn tại huyện Củ Chi, thậm chí có nơi mặt bằng giá đã lên đến 40 triệu đồng/m2 nếu đất mặt tiền, giá ngang ngửa với một số quận nội thị TP Hồ Chí Minh.
Liên hệ theo một mẩu tin đăng bán, phóng viên đã ngay lập tức được các cò đất nhiệt tình phục vụ. Nơi đầu tiên phóng viên được đưa đến là miếng đất gần 4.000 m2 tại một khu vực hẻo lánh ở huyện Củ Chi. Miếng đất này được cò đất hét giá 10,5 tỷ đồng, với nhiều lời giới thiệu có cánh là cam kết sinh lời nhanh chóng.
Bức tranh sinh lời như có thể phân lô và ra thổ cư ngay, hay hạ tầng sắp được xây dựng, hôm nay mua tuần sau bán là đã dễ dàng có lời từ 100 - 200 triệu đồng... được các cò môi giới liên tục rót vào tai người mua.
Không chỉ Củ Chi, tại huyện Hóc Môn, giá đất cũng nhảy múa theo ngày. Theo cò môi giới, giá đất ở đây đã tăng từ 30 - 50% so với trước đây. Riêng đất lúa, cò môi giới đã hét giá lên 3 triệu đồng/m2 với lời hứa hẹn có thể lên thổ cư để phân lô bán nền.
Dọc tuyến đường ở 2 huyện đều có hàng loạt bảng bán nhà, bán đất; ngay cả vệ đường, quán nhậu, quán cà phê… tất cả đều có thể là nơi giao dịch, ký hợp đồng.
Những lời chào mời hấp dẫn từ cò đất
Không phủ nhận khi được đầu tư đồng bộ sẽ khiến giá đất nhích lên, nhưng tăng tới vài chục % là vô lý. Yếu tố góp phần quan trọng khiến giá đất vùng ven thành phố tại Củ Chi, Hóc Môn tăng chóng mặt thời điểm này không phải do giá trị của các dự án, mà là do giới cò đất. Những lời chào mời hấp dẫn, pha chút "mồi chài" như: không mua thì hết không có mà mua, không mua mai tăng giá gấp đôi, gấp ba… đã khiến cho không ít người sẵn sàng móc hầu bao.
Khu đất ruộng tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, hiện không còn đất lúa, thay vào đó là những con đường được trải bê tông, chia ô. Nếu không tìm hiểu kỹ, thì chắc rằng những hạ tầng về điện, về cống sẽ đánh lừa được các nhà đầu tư lướt sóng non kinh nghiệm.
9 tỷ, 12 tỷ, 25 tỷ… muốn giá nào cũng có; các viễn cảnh cũng được cò vẽ ra như đất giáp mặt sông Sài Gòn rất dễ sinh lời, đường vành đai kết nối hạ tầng nội - ngoại khu đang được xây dựng; đầu tư không bao giờ lỗ.
Thực tế được phóng viên ghi nhận tại một quán cà phê, điểm tập kết khách để đi coi đất, bao quanh là đông đảo cò môi giới, một bản vẽ chung chung về dự án được các cò giới thiệu, ngoài ra không có giấy tờ nào chứng minh về tính pháp lý của khu đất. Tuy nhiên muốn rời khỏi quán để đi xem đất, khách đầu tư phải đặt cọc 100 triệu đồng.
Để kích thích tâm lý theo kiểu "không mua sẽ hết", các cò ở các bàn khác tiếp tục vai diễn xuống tiền đặt cọc chốt nền.
Khi nhóm phóng viên tìm cớ không mang theo tiền và xin địa chỉ để tự đi xem đất, kết quả là các cò chỉ cho một địa chỉ ma chứ không hề có dự án nào.
Ngoài nguy cơ mất oan tiền cọc, nếu mua được đất, người mua với mục đích đầu cơ cũng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro khác, bởi hiện tại thành phố chưa có quy hoạch cụ thể của các dự án đầu tư tại khu vực này.
"Sau cơn sốt đất, mặt bằng giá trở lại bình thường, gâu thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư thiếu kỹ năng, không có nhiều am hiểu về thị trường bất động sản, đặc biệt là những nhà đầu tư cuối cùng", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, đánh giá.
Dịch vụ môi giới nhà đất nhan nhản trên đường Song Lu, huyện Củ Chi. (Ảnh: PLO)
"Vùng đất ở Củ Chi rất rộng, thậm chí một số vùng còn chưa có quy hoạch 1/2000, chưa nói đến quy hoạch chi tiết 1/500. Do đó, khi chúng ta mua phải những bất động sản như vậy, trong trường hợp anh mua với giá thị trường mà đất bị quy hoạch thì anh chỉ có thể nhận được đền bù với mức giá thấp hơn nhiều lần", ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản, cho biết.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thận trọng, sáng suốt khi có ý định đầu tư vào bất động sản vùng ven theo hình thức mua đi - bán lại vào thời điểm này, bởi đôi khi chính do nhu cầu tăng cao, lại là căn cứ cho giới cò đất thổi giá lên mức vô lý.
Phương án kiểm soát hoạt động mua bán bất động sản
Cũng theo thông tin do nhóm phóng viên VTV tìm hiểu, một chiêu trò nữa của giới cò đất, các doanh nghiệp bất động sản không chính thống sử dụng đó là đề xuất với chính quyền địa phương được làm những con đường liên thôn liên xã, sau đó quảng cáo là đất đã được quy hoạch hạ tầng giao thông để phân lô bán nền, đẩy giá đất lên cao. Tình trạng sốt đất cũng đã kéo dài hơn một tháng, vậy chính quyền địa phương tại đây đã có những giải pháp thế nào?
"Với các khu vực có sốt thì tập trung khuyến cáo người dân đây là khu vực quy hoạch, không có dự án để người dân biết. Thứ hai là tăng cường thực hiện đúng nguyên tắc sử dụng đất", ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, cho hay.
"Căn cứ vào quy định của pháp luật để giải quyết hồ sơ, tách thửa đúng quy định, đảm bảo các điều kiện về quy hoạch, thẩm định các yêu cầu, điều kiện về tách thửa...", ông Dương Văn Phúc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, nói.
Một giải pháp quan trọng giúp ổn định thị trường bất động sản là các địa phương cần công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về quy hoạch sử dụng đất và cần có chế tài xử lý nghiêm minh hơn với các đối tượng "cò đất", các hành vi "thổi" giá bất động sản kiếm lời bất chính.
VTV.vn - Hoạt động đầu cơ, đòn bẩy tài chính, môi giới liên kết gây sốt ảo... được cho là những lý do khiến giá đất tăng mạnh trong thời gian qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.20551029102502202-hnim-ihc-oh-pt-nev-gnuv-tad-aig-naol-aig-ioht-ueihc-gnut-oc/et-hnik/nv.vtv