Theo hãng tin CNN, dịch bệnh và lạm phát đang khiến giới nhà giàu thế giới ngày càng nhiều tiền hơn.
Báo cáo của tổ chức Oxfam dựa trên số liệu của Forbes cho thấy có khoảng 573 tỷ phú mới gia nhập bảng xếp hạng kể từ năm 2020 đến nay, đưa tổng số lên 2.668 người. Điều này đồng nghĩa cứ mỗi 30 tiếng là lại có 1 tỷ phú mới ra đời.
Hãng tin CNN nhận định tổng tài sản của giới đại gia tăng ròng 3,8 nghìn tỷ USD, tương đương 42% lên mức 12,7 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian vừa qua. Thị trường chứng khoán bùng nổ nhờ lượng tiền cứu trợ lớn từ chính phủ là nguyên nhân chính khiến giới tỷ phú ăn nên làm ra.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Oxfam cho thấy phần lớn tài sản của các tỷ phú tăng mạnh trong năm đầu tiên của đại dịch rồi tạm dừng và rơi nhẹ trong thời gian tiếp theo. Dẫu vậy, các chuyên gia của Oxfam cho rằng sự thay đổi chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương và lạm phát chỉ đơn giản làm thay đổi cơ cấu người giàu.
Cụ thể, khoảng 263 triệu người trên thế giới sẽ chìm vào cảnh đói nghèo vì đại dịch và lạm phát trong năm nay khi giá lương thực, thực phẩm tăng cao. Thế nhưng điều này lại giúp ích cho các hãng ngành nhu yếu phẩm.
Tổ chức Oxfam cho biết tài sản của các tỷ phú ngành nông nghiệp, thực phẩm đã tăng 382 tỷ USD, tương đương 45% trong 2 năm qua sau khi đã trừ lạm phát. Khoảng 62 tỷ phú ngành nông nghiệp thực phẩm mới chỉ được vào danh sách từ năm 2020, qua đó cho thấy một lượng lớn người giàu kiếm tiền được nhờ đại dịch và lạm phát.
Tương tự, những đại gia kinh doanh dầu mỏ, than đá cũng gia tăng 53 tỷ USD tài sản, tương đương 24% kể từ năm 2020 sau khi đã trừ lạm phát.
Một ngành nữa cũng đóng góp nhiều tỷ phú mới là dược phẩm khi có đến 40 người mới tham gia câu lạc bộ tỷ phú.
Tiếp đó, giới công nghệ cũng thăng hoa khi 7/10 người giàu nhất thế giới hiện nay như Elon Musk hay Jeff Bezos kinh doanh trong mảng này. Tổng tài sản của 7 tỷ phú công nghệ giàu nhất này đã tăng trong khoảng 436-934 tỷ USD suốt 2 năm qua sau khi đã trừ lạm phát.
*Nguồn: CNN
http://tintuc.vdong.vn/05/1360254.htmHuyền Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế