Ống nghiệm dán nhãn dương tính với đậu mùa khỉ - Ảnh: REUTERS
"Về cơ bản đây là căn bệnh rất hiếm gặp, và cho đến nay hậu quả dường như không quá nghiêm trọng, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải để mắt đến nó", ông Johnson cho biết.
Trước đó trong ngày, Scotland đã công bố ca đậu mùa khỉ đầu tiên. Giới chức Scotland cho biết ca bệnh hiện đang được điều trị và họ cũng đang truy vết những người tiếp xúc gần với bệnh nhân này.
Tính riêng xứ England hiện đã có 20 ca bệnh, theo Hãng tin Reuters.
Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết đậu mùa khỉ thường không dễ lây lan giữa người với người, và nguy cơ mắc bệnh trong dân số Anh vẫn thấp.
Ngày 21-5, UKHSA đã khuyến cáo người tiếp xúc gần với ca mắc đậu mùa khỉ nên cách ly trong 21 ngày.
Trong khi đó, Đan Mạch cũng ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước này vào ngày 23-5. Nam bệnh nhân này vừa trở về sau một chuyến đi tới Tây Ban Nha.
"Các cơ quan y tế không mong đợi căn bệnh sẽ lây lan rộng ở Đan Mạch, nhưng chúng tôi đang giám sát chặt tình hình nhằm chuẩn bị cho tình huống lây nhiễm có thể xảy ra", Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke thông tin.
Bộ cho biết thêm rằng người đàn ông mắc bệnh đang được cách ly và giới chức y tế Đan Mạch đang liên hệ với những người tiếp xúc gần.
Cũng trong ngày 23-5, Bồ Đào Nha ghi nhận thêm 14 ca đậu mùa khỉ mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 37 ca.
Tây Ban Nha cũng công bố thêm 4 ca mắc mới trong ngày 23-5, nâng tổng số ca bệnh lên 34 ca. Ngoài ra, theo Reuters, có 38 ca nghi mắc đậu mùa khỉ tại thủ đô Madrid.
Bỉ trở thành nước đầu tiên áp dụng biện pháp cách ly 21 ngày với người mắc đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Tỉ lệ tử vong ở bệnh này khoảng 10%. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể. Thông tin hiện có cho thấy đậu mùa khỉ lây từ người sang người xảy ra ở các trường hợp tiếp xúc gần.
Bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ xuất hiện ở Tây Phi và Trung Phi.
Ngày 21-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước nâng cao ý thức phòng chống bệnh này. Theo WHO, từ ngày 13-5 đến nay, nhiều trường hợp nhiễm và nghi nhiễm ở các nước vốn không phải là nơi bệnh này lưu hành.
WHO: Không có bằng chứng cho thấy virus đậu mùa khỉ đột biến
Ngày 23-5, bà Rosamund Lewis, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết không có bằng chứng cho thấy virus đậu mùa khỉ đã biến đổi, theo Hãng tin Reuters. Đồng thời, bà Lewis nói căn bệnh này không có xu hướng đột biến.
Trong khi đó, bà Maria van Kerkhove, chuyên gia về các bệnh mới nổi và bệnh truyền nhiễm từ động vật của WHO, cho biết hơn 100 ca nhiễm và nghi nhiễm đậu mùa khỉ trong đợt bùng dịch gần đây tại châu Âu và Bắc Mỹ đều không nghiêm trọng.
Các nhà khoa học trên thế giới đang tìm hiểu về nguồn gốc của các ca bệnh này, và liệu có điều gì về virus này đã thay đổi hay không.
TTO - Tính đến ngày 21-5, có 92 ca bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở 12 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là những quốc gia vốn không phải là nơi lưu hành của virus gây bệnh.
Xem thêm: mth.11572749132502202-neit-uad-ac-oc-hcam-nad-ihk-aum-uad-hneb-tas-maig-hna/nv.ertiout