Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu vào chiều nay (23/5). Mức tăng lần lượt là 680 đồng/ lít đối với xăng E5 RON 92 và 670 đồng/ lít đối với xăng RON 95. Nhưng vậy, sau điều chỉnh, giá xăng chính thức lập nên kỷ lục mới với mức cao nhất lên tới 30.653 đồng/ lít.
Giá xăng tăng cao liên đới đến nhiều mặt hàng cũng tăng ngang ngửa không kém, phần lớn người dân TP.HCM đều phải chịu chung một câu chuyện thời "bão giá".
"Mua cái gì cũng đắt"
Đó là lời than thở của bà Lành (57 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM). Bà Lành cho biết kể từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay mua bất kỳ thứ gì bà thấy cũng đắt hơn so với thông tường từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng.
Người dân lao đao giữa cơn "bão giá"
Theo bà Lành, vật giá leo thang khiến gia đình bà cũng phải tính đến phương án thắt chặt chi tiêu.
"Ngày trước khi cho con cháu đi học bà chỉ cho khoảng 10.000 - 20.000 đồng là đủ để cháu ăn sáng, ăn quà vặt. Ngày nay mỗi khi đưa cháu đi học, cho 20.000 đồng có khi chỉ đủ tiền ăn một gói xôi, giá cái gì cũng đắt. Nếu đắt mà phần ăn nhiều thì không nói, đằng này giá lên nhưng đồ ăn cũng chỉ có vậy thôi", bà Lành than thở.
Không chỉ riêng bà Lành mà rất nhiều người khác cũng vô cùng bức bối vì cơn "bão giá".
"Đôi khi cầm 50.000 đồng đi chợ chỉ mua được bó rau và vài quả trứng, món gì cũng đắt nhìn qua nhìn lại chẳng ăn được món gì", một người nội trợ nói.
Người khổ - khổ thêm
Bao giờ cũng thế, giá xăng tăng cao, mọi vật giá khác cũng tăng. Kéo theo, là cuộc sống của người lao động vốn không mấy dư dả, nay thêm cực. Họ phải làm nhiều giờ hơn, vất vả hơn để không bị bỏ lại phía sau.
Bà Huỳnh (81 tuổi, bán xôi ở quận 5, TP.HCM) cho biết, hiện tại do chí phí các mặt hàng thực phẩm đều tăng so với trước nên việc bán hàng của bà khó khăn hơn nhiều. Cửa hàng của bà được cái nằm ở khu đông đúc học sinh, sinh viên nên vẫn cố cầm cự. Bản thân bà phải "thắt lưng buộc bụng", tiết kiệm nhiều chi phí để duy trì bán hàng mà không tăng giá.
"Chủ yếu lấy công làm lời", bà Huỳnh nói.
Hàng xôi của bà Huỳnh gặp khá nhiều khó khăn do hệ lụy xăng tăng
"Thông thường tôi vừa bán vừa cho các em học sinh, sinh viên, chúng mua luôn dặn 'bà cho con nhiều xôi, con đi học con đói' mình bán ít đi cũng không được, nhưng tăng giá thì cũng chẳng đặng đừng. Chỉ biết cố gắng gia giảm các chi phí, lấy công làm lời. Ở tuổi này, tôi chẳng mong gì ngoài được tạo điều kiện cho bán buôn kiếm sống", bà Huỳnh chia sẻ.
"Gọi điện thoại tôi còn không dám gọi vì sợ tốn tiền đó cô cậu", bà Huỳnh nói.
Việc giá xăng tăng rõ ràng không chỉ là sự thay đổi của những con số khô khan. Nó ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống. Bởi vậy trước mỗi đợt điều chỉnh giá xăng, những tiểu thương như bà Huỳnh lại thấp thỏm, lo âu không ít. Một mình nuôi 4 con - 1 chồng bị tai biến từ sau thời điểm dịch Covid-19 khiến bà cụ 81 tuổi rất vất vả.
"Vì không có các con phụ giúp, mỗi ngày tôi phải thuê xe ôm đưa đồ, kéo xe phụ từ nhà đến chỗ bán, mọi khi tốn 15 nghìn thôi nhưng nay thấy họ phụ cực mà giá xăng lại đang lên nên tôi cho họ thêm ít. Chả, thịt vì không nấu nổi tại nhà nên cũng nhờ người giao, mỗi lần giao họ cũng lấy tiền phụ thu. Cứ vài đồng cộng lại là thành vài chục nghìn tiền xăng mỗi ngày chưa kể giá các mặt hàng từ chả, nếp, hay kể cả hành lá giá hôm nay cũng khác mọi hôm", bà Huỳnh trần tình.
Tiểu thương gồng mình giữ giá
Bán bánh tằm đã hơn 20 năm nay nay, chị Đào Thủy cũng đã từng đi qua nhiều thời kỳ "bão giá". Mỗi thời điểm chị Thủy lại có cách cân đo đong đếm khác nhau để làm sao vừa tốt cho mình vừa tốt cho khách.
"Xăng tăng tuy thấy nhỏ nhưng tác động của nó từ từ mới thấm. Ví vụ dễ hiểu như thế này, trước khi tới tay chị thì thịt gà, thịt heo đã "gánh" chi phí vận chuyển 3 - 4 khâu. Từ trại nuôi tới lò mổ, rồi đến chợ đầu mối, đi các chợ lẻ, chỗ bán nhập về còn đội thêm giá chế biến, nấu nướng rồi mới đến tay khách. Chi phí cứ cộng dồn lên mình lên giá mất khách, mà lên một lần ít nhất cũng phải từ 5 - 10 nghìn mới gánh được chi phí nhưng nếu bán một đĩa bánh lên 10 nghìn thì còn ai ăn?", chị Thủy nói.
Mới trải qua đợt dịch COVID-19 căng thẳng chưa được bao lâu, quán vừa mở lại. Chị Thủy chỉ mong buôn bán được ổn định để cuộc sống gia đình chị được đảm bảo. Tuy nhiên "bão dịch" vừa qua - "bão giá" tìm về khiến việc kinh doanh của gia đình chị chưa kịp hồi phục đã phải đối mặt với khó khăn mới.
Giờ đây, những tiểu thương như chị Thủy, bà Huỳnh nếu không muốn tăng giá để mất khách thì chỉ còn cách gồng mình cắt bớt lời. Lời ít nhưng vẫn bán được hàng cũng là may, là có thu nhập và hi vọng đến một lúc nào đó giá cả sẽ bình ổn trở lại.
https://afamily.vn/gia-xang-tang-cao-ky-luc-va-ganh-nang-bao-gia-de-len-vai-lao-dong-ngheo-o-tphcm-da-kho-nay-kho-them-20220521140202521.chnTheo Bảo Trân
Trí Thức Trẻ