Ông Lê Quang Mạnh nêu quan điểm về phân bổ vốn đầu tư cho dự án đường Hồ Chí Minh - Ảnh: C.QUỐC
Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 66 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Cho ý kiến về dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu đoàn Bắc Ninh Tạ Thị Yên (phó trưởng Ban Công tác đại biểu) chỉ ra dự án được triển khai suốt 18 năm đến nay vẫn chưa thông được toàn tuyến.
Chậm trễ có làm ảnh hưởng hiệu quả chung?
"Sự chậm trễ dự án đã làm giảm bao nhiêu phần trăm hiệu quả chung của dự án, ảnh hưởng chung đến hiệu quả kinh tế của các vùng miền, thiệt hại này có định lượng được không và có biểu hiện của sự lãng phí hay không?" bà Yên cho rằng Chính phủ làm rõ tổng quy mô vốn đầu tư cho toàn tuyến, quy mô từng đoạn tuyến, biện pháp thi công… bởi theo tờ trình của Chính phủ thì có thể phải chờ 10 năm nữa dự án mới hoàn thành.
Bà Yên đề nghị Chính phủ bố trí vốn để hoàn thành 171km còn lại, thông suốt vào năm 2025, không để dự án cắt khúc, phát huy tối đa hiệu quả dự án.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho hay Chính phủ kiến nghị bố trí vốn để khởi công mới 2 dự án thành phần nối thông tuyến, với tổng mức đầu tư 22.276 tỉ đồng, gồm đã bố trí được 16.706 tỉ đồng, nên chỉ cần bổ sung thêm 5.570 tỉ đồng.
Dù số vốn này có thể cân đối được, nhưng ông Ngân băn khoăn việc tại kỳ họp bất thường đầu năm 2022, Quốc hội đã phê duyệt rất nhiều dự án đầu tư công, đặc biệt các tuyến đường cao tốc. Tới đây, Quốc hội dự kiến tiếp tục phê duyệt thêm 5 dự án giao thông lớn, đặt ra nhu cầu nguồn vốn giải ngân rất lớn và khả năng cân đối ngân sách, tránh trường hợp đầu tư dở dang, trong bối cảnh giá cả tăng nhanh.
Phân bổ nguồn lực phải tính toán tổng thể
Cung cấp thêm thông tin cho đại biểu, bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng việc sử dụng nguồn lực quốc gia cho công trình, dự án nào để tính toán tổng thể nguồn lực chung là vấn đề đặt ra. Thực tế với dự án này, có nhiều đoạn tuyến đã được triển khai đầu tư xây dựng mang lại hiệu quả, như tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Cần Thơ) được thông tuyến đã tạo ra hành lang giao thông, hành lang kinh tế phát triển cho địa phương.
Lý giải về việc cả mấy nhiệm kỳ vẫn chưa thể thông toàn bộ tuyến dự án, ông Mạnh cho biết trước đây dự án được thiết kế theo hình thức BOT, nhưng do có vướng mắc nên chưa phát huy hiệu quả trong thu hút nguồn lực. Vì vậy, những đoạn tuyến mà lưu lượng xe không đủ lớn thì phải tìm nguồn khác để xây dựng và cũng chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
"Nếu hoàn thành toàn tuyến là điều lý tưởng, nhưng hiện nay với phương án đưa ra cho giai đoạn 2021 - 2025 là tối ưu. Giống như tiền trong gia đình, nếu chỉ có ngần ấy thì phải quyết định bỏ tiền vào đâu", ông Mạnh chia sẻ.
Trước đó, báo cáo về dự án đường Hồ Chí Minh, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh là 99.170 tỉ đồng, nhưng trong bối cảnh quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn, khả năng, nguồn lực có hạn nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn để nối thông toàn tuyến.
Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, giao Chính phủ để hoàn thành dứt điểm việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận để nối thông toàn tuyến theo quy mô hai làn xe giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai cụ thể các dự án trong giai đoạn sau năm 2020 theo quy hoạch, phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực và hiệu quả đầu tư, trong đó có đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến.
TTO - Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ gần 2 năm do thiếu vốn và hiện vẫn cần 10.770 tỉ đồng để đầu tư thông toàn tuyến.
Xem thêm: mth.31530137142502202-uad-oav-ob-hnid-teyuq-iahp-iht-yan-nagn-oc-ihc-neit-oht-nac-uht-ib/nv.ertiout