Trẻ sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Số mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM vẫn đang có xu hướng gia tăng. Mới đây, TP.HCM ghi nhận thêm 1 bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết là 7 trường hợp tính từ đầu năm đến nay. Trong tuần gần nhất, TP đã có hơn 900 ca sốt xuất huyết...
Số mắc sốt xuất huyết mới nhập viện tại các bệnh viện vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó có nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng.
Nhiều trẻ béo phì mắc sốt xuất huyết nặng
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 24-5 khoa có 8 trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết nặng đang điều trị. Những trẻ này nhập viện trong tình trạng sốc, huyết áp không đo được... Đáng lưu ý 80-90% các trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng đều là trẻ béo phì.
P.V.T.H., ngụ Bình Dương, bị béo phì, mới 10 tuổi nhưng đã nặng tới 45kg, đang điều trị tại khoa hồi sức nhiễm, nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng, mạch - huyết áp khó đo, suy đa tạng, tổn thương gan, thận, tim, phổi, tràn nước trong bụng, trong phổi, các bác sĩ phải dẫn lưu dịch từ bụng và phổi, lọc máu liên tục, thay huyết tương... điều trị.
Sau 22 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, H. đã ngưng lọc máu, cai được máy thở, tỉnh táo, gan bắt đầu ổn định, mạch, huyết áp ổn định, ăn uống được nhưng hiện các bác sĩ vẫn tiếp tục điều trị lọc thận nhân tạo để điều trị suy thận...
Bác sĩ Châu Việt cho biết trẻ béo phì khi mắc sốt xuất huyết dễ chuyển nặng. Chưa kể, những dấu hiệu chuyển nặng của bệnh sốt xuất huyết trên trẻ béo phì khó nhận biết, ngay cả đối với bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Đình Quy, khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết ngày 24-5 có khoảng 60 trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị, trong đó có 8 ca nặng phải nằm điều trị tại phòng cấp cứu. Trong 8 ca nặng này có 2 ca bị béo phì.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, cũng cho biết hiện bệnh viện này đang có 60 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị, trong đó có 12 ca nặng. Trong số những ca sốt xuất huyết nặng đang điều trị, có nhiều bệnh nhi bị béo phì.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), 4 tháng đầu năm 2022 TP.HCM ghi nhận trên 8.480 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 28% so với cùng kỳ 2021 (6.639 ca). Trong tuần 20 (từ 13 đến 19-5), TP.HCM ghi nhận 943 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước, thêm 1 ca tử vong (tại Củ Chi). Số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay đã là 7 trường hợp.
Nhiều cha mẹ chủ quan
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 24-5, tại phòng cấp cứu khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 đang cấp cứu và điều trị cho hàng chục bệnh nhi sốt xuất huyết bắt buộc nhập viện. Trong đó, nhiều trường hợp trẻ bị sốc sốt xuất huyết nặng, phải sử dụng máy hỗ trợ thở oxy...
Có con bị sốt xuất huyết nặng, chị K.N. (34 tuổi, quận Tân Phú) cho biết bé có biểu hiện sốt vài ngày, chị đưa con đi khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết, nhưng thấy biểu hiện nhẹ nên điều trị tại nhà.
Nhưng vài ngày sau thấy bệnh tình con không thuyên giảm, có sốt, ra mồ hôi lạnh, chị N. liền đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để thăm khám.
"Bé béo phì và đến bệnh viện muộn nên bé đã xuất huyết trong ổ bụng, tràn dịch phổi. Các bác sĩ lập tức cho thở oxy và được cấp cứu kịp thời. Nhà ở tầng cao chung cư, tôi không nghĩ bé lại bị muỗi cắn sốt xuất huyết nặng vậy", chị N. nói.
Còn chị H.T. (40 tuổi, huyện Hóc Môn) cho biết thấy con có biểu hiện sốt cao 38 độ 3 ngày liền, chị liền mua thuốc cho con uống nhưng tình trạng sốt kéo dài. Khi đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán con chị bị sốt xuất huyết nặng bắt buộc nhập viện để điều trị.
"Tổ trưởng tổ dân phố có đến gia đình tôi nhắc nhở việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, gia đình cũng đã làm theo. Tuy nhiên, cạnh nhà lại có ổ dịch sốt xuất huyết tôi nghĩ lây ra từ đó. May cho con được cấp cứu kịp thời", chị T. chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - trưởng khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết gần đây trẻ bị sốt xuất huyết tăng đột biến, bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị cho 60 trẻ. Trong đó, có nhiều trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết nặng, phải thở oxy.
Trước đó vào tháng 4, số trường hợp trẻ sốt xuất huyết cũng chỉ là 20-30 ca, đến nay tăng cả số ca nặng và nhập viện. Nhiều trường hợp phụ huynh lo sợ COVID-19 ngại đưa con đi khám bệnh, làm cho việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết chậm trễ.
Lý giải về việc tăng đột biến số mắc sốt xuất huyết, bác sĩ Tuấn cho biết năm nay đúng vào chu kỳ của sốt xuất huyết (3-4 năm 1 lần). Sau một thời gian miễn dịch đối với sốt xuất huyết tại cộng đồng đã giảm. Khi người dân di chuyển từ nơi không có dịch vào vùng dịch lưu hành sẽ dễ mắc sốt xuất huyết.
Ngoài ra, có thể do những yếu tố nội tại của cơ thể người bệnh mà đáp ứng sẽ khác nhau khi mắc bệnh, chẳng hạn như trẻ nhũ nhi, dư cân, béo phì, có bệnh lý nền đi kèm, đã từng bị sốt xuất huyết trước đây sẽ dễ nặng hơn.
Những biểu hiện nặng của sốt xuất huyết gần đây cũng đa dạng hơn, như tổn thương gan xuất hiện sớm và nặng, thay đổi hành vi, tri giác cũng thường gặp hơn trong sốt xuất huyết so với trước đây, có thể do sự tác động qua lại giữa yếu tố cơ địa người bệnh và đặc điểm sinh bệnh của virus.
Do người dân bắt đầu đi làm và đi học trở lại, muỗi sẽ tìm tới sinh sôi và làm lây lan dịch bệnh tại nơi đông người, đặc biệt là các khu công nghiệp, nhà máy, trường học, khu vực dân cư...
"Muỗi truyền sốt xuất huyết có tập tính đốt người vào ban ngày, đặc biệt là vào đầu giờ hoặc chiều tối, người dân thường có thói quen ngủ ban đêm mới mắc màn, ban ngày thì không sẽ không ngừa được sốt xuất huyết", bác sĩ Tuấn nói.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo người dân có phương pháp phòng chống sốt xuất huyết như ngủ màn, mặc quần áo dài tay, thay nước thường xuyên ở nơi trữ nước, vệ sinh môi trường...
Bác sĩ Châu Việt cho rằng phần lớn ca sốt xuất huyết nặng là do các bậc cha mẹ phát hiện trễ những dấu hiệu nặng ở trẻ. Nhiều trẻ được đưa đến bệnh viện ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh.
Không ít các bậc cha mẹ khi được bác sĩ lưu ý về bệnh sốt xuất huyết còn khăng khăng: "Con tôi không thể bị sốt xuất huyết, gia đình tôi ở trên căn hộ tầng 15, 18 không thể bị muỗi chích". Trong khi theo bác sĩ Châu Việt, những cháu bé này không chỉ ở nhà mà có thể đi chơi, đi học và đều có thể bị muỗi chích và bị truyền bệnh.
Ngoài ra, trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 nhiều trẻ mắc các bệnh nhẹ như sốt, ho... đều tự khỏi, nên khi thấy trẻ sốt các bậc cha mẹ cũng chủ quan mà không nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết, đưa trẻ đi khám, điều trị sớm.
Sốt xuất huyết tăng trên phạm vi cả nước
Số liệu của Cục Y tế dự phòng cho biết tính đến hết tuần 20 (hết ngày 19-5), cả nước ghi nhận gần 30.200 ca mắc sốt xuất huyết, 15 ca tử vong. So với cùng kỳ 2021, số mắc tăng 17,9%, tử vong tăng 8 ca.
So với cùng kỳ năm có số mắc sốt xuất huyết cao nhất gần đây là 2019 thì số mắc các tháng đầu 2022 chỉ bằng 1/2 (cùng kỳ 2019 ghi nhận gần 62.500 ca). Tuy nhiên hiện mới bắt đầu vào giai đoạn cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết (tháng 5-11 hằng năm) nên dự báo số mắc còn có thể tăng trong thời gian tới.
HỒNG HÀ
Tay chân miệng cũng tăng gấp đôi
Theo HCDC, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận trên 2.560 ca mắc bệnh tay chân miệng, 96% trẻ mắc bệnh từ 1-5 tuổi.
Trong tuần 20 (từ ngày 13 đến 19-5), TP ghi nhận thêm 882 ca bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Các quận huyện có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước là Bình Tân, khu vực 3 của TP Thủ Đức, Tân Phú, Gò Vấp.
T.DƯƠNG - T.HIẾN
TTO - Thông tin trên được ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cung cấp tại họp báo chiều 12-5.
Xem thêm: mth.48482922242502202-gnan-teyuh-taux-tos-ert-ueihn-nauq-uhc-em-ahc/nv.ertiout