Theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất Đông Nam Á. Dịch COVID-19 sau 2 năm qua đã thúc đẩy nhanh xu hướng mua sắm đa kênh. Tuy nhiên, cùng với đó, những hình thức gian lận, lừa đảo trên thương mại điện tử đã diễn ra với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi như làm giả trang bán hàng, chiếm đoạt toàn bộ tiền mua hàng của người tiêu dùng.
Từ 10 đến 20 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng là giá trị những mặt hàng được một cửa hàng kinh doanh thời trang cao cấp bày bán. Theo đại diện của cửa hàng này, vừa qua fanpage của họ bị làm giả, nhiều khách hàng đã bị chiếm đoán toàn bộ tiền hàng.
"Bắt đầu từ khoảng trước Tết Nguyên đán, chúng tôi nhận được phản ánh của khách hàng mua hàng là chuyển khoản cho chúng tôi nhưng không nhận được hàng. Sau khi chúng tôi hỏi khách hàng đó chuyển khoản qua đâu, nói chuyện qua đâu, mới phát hiện rằng có một fanpage giống của chúng tôi từ số lượng follow, hình ảnh khách hàng, kể cả những tư vấn về sản phẩm, chỉ khác là 2 số tài khoản bên đó cung cấp thì không phải là số tài khoản của chúng tôi", anh Phan Đức Linh - Quản lý cửa hàng thời trang cao cấp cho hay.
Điểm đáng nói là khi chưa có biện pháp ngăn chặn, trang giả mạo này vẫn tiếp tục tồn tại và đang có thêm khoảng 10 khách hàng bị lừa mỗi ngày, tổng số tiền của khách hàng bị thiệt hại đã lên tới hàng tỷ đồng.
Đại diện của một cửa hàng cho biết, vừa qua fanpage của họ bị làm giả, nhiều khách hàng đã bị chiếm đoán toàn bộ tiền hàng.
Theo chuyên gia về an ninh mạng, các đối tượng lừa đảo trên mạng có thủ đoạn ngày một tinh vi hơn. Cụ thể là đăng ký tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ cá nhân giả mạo, tiền chuyển vào tài khoản lập tức chuyển ngay sang tài khoản khác, thuê chạy quảng cáo các trang facebook giả mạo để lừa được nhiều người hơn.
Do đó, dù thông tin lưu trên mạng xã hội, lý lịch tài khoản chuyển tiền lưu trên ngân hàng, nhưng cơ quan điều tra vẫn khó truy tìm những kẻ lừa đảo này.
Theo luật sư kinh tế, tạo lập các trang mạng xã hội như facebook bây giờ là quá dễ dàng và không ràng buộc điều kiện, do đó xác minh rõ quyền sở hữu là điều tiên quyết.
Cũng theo các chuyên gia, phù hợp nhất với các cửa hàng vẫn là gắn tính xác minh trang bán hàng của mình. Còn đối với người tiêu dùng, chuyên gia cảnh báo cần thận trọng xác minh trước khi giao dịch qua mạng, có thể sử dụng phương pháp giao nhận hàng COD, xem hàng rồi mới trả tiền, để an toàn hơn khi mua sắm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.20881358052502202-gnud-ueit-iougn-auc-neit-taod-meihc-oam-aig-gnah-nab-gnart-oat/et-hnik/nv.vtv