Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương có khuyết điểm, vi phạm khi tham mưu cơ chế khuyến khích dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận dẫn tới 14 dự án được hưởng giá FIT ưu đãi 9,35 cent/kWh trong 20 năm không đúng quy định.
'Ông lớn' làm điện mặt trời, vài tháng xong dự án nghìn tỉ
Tại danh sách 14 dự án với tổng công suất 964 MW đã và đang được áp dụng giá 9,35 cent/kWh không đúng tại kết luận thanh tra, có Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh.
Nhà máy nêu trên có công suất 45 MWp, tổng đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận - thuộc Tập đoàn T&T.
Tháng 6-2020, dự án điện mặt trời Phước Ninh được khánh thành sau chưa đầy 4 tháng thi công. Phát biểu tại lễ khánh thành, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết "việc vận hành nhà máy đánh một dấu mốc quan trọng với T&T Group khi đầu tư mảng năng lượng".
Ngoài Phước Ninh, công ty của T&T Group còn vận hành ba nhà máy điện mặt trời khác, gồm: Hồng Liêm 3, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3. Cả ba đều hòa lưới điện cuối tháng 12-2020, thông tin từ website T&T Group.
Theo báo cáo chỉ tiêu tài chính cơ bản, Công ty CP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận lỗ 83 tỉ đồng trong bán niên 2023, trong khi cùng kỳ còn lãi gần 4,6 tỉ đồng.
Cả 2021 và 2022, doanh nghiệp này lỗ lần lượt 22 tỉ đồng và 106 tỉ đồng. Thua lỗ dài, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tại thời điểm 30-6-2023 còn 1.038 tỉ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Công ty CP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận là 2,55 lần, tương đương hơn 2.600 tỉ đồng, chủ yếu nợ trái phiếu.
Dự án khác - Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam Đức Long tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng do Công ty CP điện mặt trời DLG Ninh Thuận làm chủ đầu tư cũng góp mặt danh sách 14 dự án hưởng FIT sai.
Chủ đầu tư dự án nêu trên từng là công ty thành viên Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Đến tháng 9-2019, Tập đoàn Đức Long Gia Lai chuyển nhượng toàn bộ cổ phần.
Dự án Thuận Nam Đức Long cũng có thời gian thi công thần tốc khi tốn có 3,5 tháng. Bắt đầu xây dựng từ giữa tháng 9-2019, đến ngày cuối của năm này thì đóng điện.
Về Đức Long Gia Lai, tập đoàn này từng nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gỗ, bất động sản, linh kiện, sau đó rẽ sang năng lượng.
Việc hưởng ưu đãi giá mua 2.086 đồng/kWh là chất xúc tác quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có Đức Long Gia Lai đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Song dường như mảng này vẫn chưa "cứu cánh" kết quả kinh doanh. Năm 2022, Đức Long Gia Lai lỗ sau thuế kỉ lục 1.197 tỉ đồng. Sang 9 tháng 2023, tập đoàn này lãi sau thuế trở lại với hơn 50 tỉ đồng.
Bán công ty điện mặt trời, lãi hàng trăm tỉ đồng
Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ (ngăn 473) của CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành cũng hưởng ưu đãi FIT không đúng quy định.
Khởi công xây dựng vào tháng 3-2019, mức đầu tư 1.457 tỉ đồng, dự án đóng điện gấp rút vào tháng 11-2019.
Trên website, Trường Thành cho biết đã đặt mục tiêu phấn đấu trở thành đơn vị phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam 5 năm tới.
Dữ liệu: BCTC | |
---|---|
Năm 2019 | 75 |
Năm 2020 | 129 |
Năm 2021 | 133 |
Năm 2022 | 204 |
9T2023 | 93 |
Về tình hình kinh doanh, dữ liệu báo cáo tài chính gần 6 năm qua cho thấy, lợi nhuận sau thuế Trường Thành được cải thiện rõ rệt. Từ mức lãi sau thuế hơn 92 tỉ đồng năm 2018 đã lên hơn 204 tỉ đồng năm 2022. Sang 9 tháng năm 2023, lãi sau thuế lại còn 94 tỉ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.
Tại văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán, phía Trường Thành giải trình, do tình hình thuỷ văn không thuận lợi suốt từ đầu năm nên doanh thu giảm.
Doanh nghiệp cũng tiết lộ hoạt động các nhà máy điện mặt trời diễn ra ổn định, chi phí sản xuất kinh doanh được duy trì ở mức ổn định không có biến động bất thường.
Trong danh sách 14 dự án, còn có nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải - Công ty cổ phần đầu tư Năng lượng tái tạo Licogi 16 Ninh Thuận với công suất 35 MWp, được vận hành từ tháng 7-2020.
Năng lượng tái tạo Licogi 16 Ninh Thuận từng thuộc Công ty cổ phần Lizen (tên cũ Công ty Cổ phần LICOGI 16).
Tuy nhiên, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Lizen thể hiện, công ty đã hoàn tất chuyển nhượng 100% cổ phần Licogi 16 Ninh Thuận cho đối tác với giá phí chuyển nhượng hơn 477 tỉ đồng. Khoản lãi ghi nhận trên báo cáo hơn 242 tỉ đồng.
Ngoài bán Licogi 16 Ninh Thuận, Lizen cũng bán Công ty cổ phần đầu tư Năng lượng tái tạo Licogi 16 Gia Lai với 194 tỉ đồng.
Đồng thời giải thể Công ty cổ phần năng lượng điện gió Licogi 16 Quảng Trị 1 và Công ty cổ phần năng lượng điện gió Licogi 16 Quảng Trị 2 vào tháng 10-2022.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Lizen báo lãi sau thuế giảm 66% so với cùng kỳ, chỉ còn 55 tỉ đồng. Nguyên nhân được công ty cho biết do năm nay không có khoản doanh thu đến từ hoạt động chuyển nhượng vốn như năm trước.
Nhìn vào hành trình kinh doanh của Lizen, có thể thấy lợi nhuận doanh nghiệp này được cải thiện rõ từ 2018 đến nay với mức lãi hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, cao nhất là năm 2020 với 311 tỉ đồng.
Thiên Tân Solar Ninh Thuận của Công ty cổ phần Thiên Tân Solar Ninh Thuận, Mỹ Sơn của Công ty CP ĐMT Mỹ Sơn 1, Mỹ Sơn 2 của Công ty cổ phần ĐMT Mỹ Sơn 2, dự án Bầu Zôn của Công ty TNHH Năng lượng mặt trời TT.Sunlim;
Thuận Nam 12 của Công ty cổ phần ĐMT Thành Vinh; SP Infra 1 của Công ty TNHH Năng lượng Surya Prakash Việt Nam, Adani Phước Minh của Công ty TNHH ĐMT Adani Phước Minh và dự án điện mặt trời 450MW kết hợp trạm biến áp 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV, 200kV.
14 dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận được xác định hưởng giá ưu đãi không đúng đối tượng đang được đề nghị đề xuất giải pháp xử lý.