Cô Sharifah Sofia Syed Hussein (áo xanh lá cây, ngồi) và cô Rafizah Mat Zin (áo hồng, ngồi) cùng một nhóm người ủng hộ sau khi đến khu phức hợp tòa án Kuala Lumpur sau chặng đường 235km từ Taman Negara, Pahang - Ảnh: CNA
Theo báo South China Morning Post (SCMP), mục đích của chuyến đi nhằm cảnh báo về tình trạng săn bắt trái phép và phá hoại rừng đe dọa đến môi trường sống tự nhiên của quần thể hổ Mã Lai ở các khu vực như Taman Negara, quần thể rừng Belum-Temengor (bang Perak) và khu bảo tồn rừng Sungai Yu (bang Pehang).
Đồng thời nhóm của cô cũng sẽ đệ đơn kiện đến với Chính phủ Malaysia và Tòa án liên bang nhằm bảo vệ loài động vật vốn là biểu tượng của đất nước này.
Cô giải thích vụ kiện là yêu cầu tuyên bố hợp pháp để bảo vệ những con hổ Mã Lai trước nạn phá rừng tràn lan ở Malaysia trong những năm gần đây.
"Nếu làm được điều đó, chúng ta có thể giúp ngăn chặn nạn phá rừng xảy ra ở những nơi cư trú của hổ Mã Lai" - cô Sharifah chia sẻ.
Cô Sharifah và người bạn bắt đầu đi từ ngày 6-5, với điểm xuất phát tại cổng Merapoh của Vườn quốc gia Taman Negara ở biên giới bang Kelantan-Pahang, vì vườn quốc gia này mang tính biểu tượng cho quần thể hổ ở Malaysia.
"Taman Negara là nơi sinh sống của phần lớn đàn hổ của chúng tôi, khu còn lại là quần thể rừng Belum-Temengor ở bang Perak" - SCMP dẫn lời cô Sharifah cho biết thêm.
Cô Sharifah và cô Rafizah bắt đầu đi bộ từ Raub đến Bentong dài 10km - Ảnh: CNA
Từ Taman Negara, cô và người bạn Rafizah tiếp tục hành trình đến khu bảo tồn rừng Sungai Yu, nơi giao nhau giữa Vườn quốc gia Taman Negara với dãy núi Titiwangsa ở trung tâm của bán đảo Mã Lai.
"Đây là chặng dừng chân quan trọng trong hành trình của chúng tôi bởi đây là một trong số ít các khu bảo tồn của loài hổ còn sót lại trên đất nước" - cô Sharifah nói.
Trước đó Chính phủ Malaysia phê duyệt vùng Sungai Yu trở thành khu bảo tồn rừng vĩnh viễn nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã, bao gồm cả hổ Mã Lai vào năm 2019.
"Chúng tôi cần không gian để cho phép loài hổ Mã Lai thực sự tồn tại. Nếu chúng ta không có điều đó, việc cố gắng nhân giống và bảo tồn chúng chẳng có nghĩa lý gì" - cô Sharifah bày tỏ.
Theo cô, một con hổ Mã Lai cần trung bình từ 60km2 đến 80km2 diện tích tự nhiên để sinh sống.
Vào ngày thứ tư, cô Sharifah phải đến gặp bác sĩ vì đau nhức cơ bắp chân do thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, chuyến đi của cô và người bạn bất ngờ được sự ủng hộ của "ông Trời" khi các cơn mưa phùn diễn ra ngay sau đó.
Hai cô đi bộ dọc theo đường Jalan Tras ở Bentong, bang Pahang - Ảnh: CNA
Sáng 14-5, tức sau hơn 1 tuần, cô và người bạn Rafizah đã đến khu phức hợp tòa án ở Kuala Lumpur một cách an toàn.
Ở đích đến, cô vui mừng chia sẻ những kỷ niệm khó quên với những người ủng hộ của tổ chức phi chính phủ về môi trường Hak Asasi Hidupan Liar Malaysia.
Theo SCMP, mục tiêu tiếp theo của cô và những người bạn là sẽ tiếp cận cộng đồng về giáo dục môi trường ở đất nước trong khi chờ đợi hồ sơ pháp lý được chuyển lên hệ thống tòa án của Malaysia.
Hổ Mã Lai, có 6 phân loài gồm hổ Siberia, hổ Amur, hổ Bengal, hổ Sumatra, loài hổ nam Trung Quốc và hổ Đông Dương. Đây là loài động vật được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế do nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên cực cao.
Chính sách bảo vệ hổ của Chính phủ Malaysia hiện nay tập trung chủ yếu vào bảo tồn tại chỗ, bao gồm tuần tra chống săn trộm, nghiên cứu, giám sát động vật hoang dã, vận động và giáo dục.
Vào tháng 3-2022, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Malaysia - ông Takiyuddin Hassan cho biết tại Quốc hội Malaysia rằng chỉ còn dưới 150 con hổ Mã Lai trong tự nhiên ở đất nước này.
TTO - Mua những con hổ còn nhỏ từ Lào về Việt Nam, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, một gia đình ở huyện Yên Thành, Nghệ An cải tạo căn nhà thành những hầm nuôi hổ trái phép.