Quy mô thị trường tài chính Việt Nam tính theo thông lệ quốc tế đến cuối năm 2021 tương đương khoảng 300% GDP. Báo cáo mới công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy thị trường tài chính gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán đã có những bước phát triển lớn trong thời gian qua. Đặc biệt, sự ổn định vĩ mô đóng vai trò quan trọng để thị trường phát triển bền vững.
Theo dự báo của nhóm nghiên cứu, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 5,5 - 6% trong năm nay và cao hơn trong năm sau, nhờ lực đẩy từ các gói kích thích phục hồi kinh tế. Thị trường tài chính Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này, nhưng không tránh khỏi tác động từ bước điều chỉnh giảm của chứng khoán thế giới.
Thị trường tài chính Việt Nam cần phát triển cân bằng hơn và kiểm soát rủi ro hệ thống. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, cùng với tác động từ những chính sách, biện pháp chấn chỉnh thời gian qua, thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển lành mạnh hơn.
"Phát triển thị trường vốn là xu thế không thể đảo ngược với Việt Nam, vì thị trường vốn là kênh cung cấp vốn trung và dài hạn cho thị trường Việt Nam. Chúng ta cần nhìn nhận tích cực hơn, không vì những rủi ro này mà có hạn chế và tác động đến sự phát triển của thị trường vốn", ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đánh giá.
Các chuyên gia cũng đưa ra kiến nghị chính sách, nhấn mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách liên quan đến xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa thị trường cổ phiếu, trái phiếu và tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số; đồng thời khuyến khích tài chính xanh như tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
"Thị trường tài chính chỉ có thể ổn định được khi kinh tế vĩ mô ổn định. Chính vì vậy, chúng ta phải phối hợp chính sách giữa tiền tệ và tài khóa, để một mặt thực hiện tốt chương trình phục hồi mà Quốc hội và Chính phủ ban hành, thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời kiểm soát được lạm phát cũng như giá cả", ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho biết.
"Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại COP26 rằng chúng ta sẽ zero carbon vào năm 2050, đó là cơ hội cực tốt để biến thị trường tài chính của Việt Nam xanh hơn, có nhiều nguồn tiền, dòng vốn từ nước ngoài để đầu tư cho chuyển dịch năng lượng, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, các sản phẩm hàng hóa đáp ứng xanh, sạch để tăng cạnh tranh với hàng hóa thế giới", ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, nhấn mạnh.
Báo cáo cũng nhận định thị trường tài chính Việt Nam cần phát triển cân bằng hơn và kiểm soát rủi ro hệ thống, nhất là tính lan tỏa giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản. Đây sẽ là bước đi cần thiết để thị trường phát triển bền vững trong dài hạn.
VTV.vn - Những vụ việc khởi tố, bắt tạm giam một số cá nhân vi phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu DN và bất động sản trong 2 tuần gần đây được nhiều tờ báo phân tích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!