Để đầu tư được mỗi 1 MW điện mặt trời cần tới trên 10 tỉ đồng, đã có hàng ngàn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhưng đang gặp vướng mắc do ngành điện ngưng thanh toán và dọa cắt hợp đồng - Ảnh: B.S.
Ngày 27-5, hàng chục doanh nghiệp là nhà đầu tư điện mặt trời áp mái tại Bình Dương tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới Bộ Công thương, UBND tỉnh Bình Dương và cơ quan chức năng đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Không chỉ vậy, hầu hết các nhà đầu tư tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng kêu cứu vì điện lực ngưng thanh toán.
Vẫn lấy điện nhưng không trả tiền
Các doanh nghiệp cho biết phải làm đơn kêu cứu vì đang đứng trước nguy cơ phá sản, bị ngân hàng phát mãi tài sản. Lý do là từ 3 tháng qua (từ ngày 1-3-2022), họ bị đối tác là các công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đột ngột ngưng trả tiền mua điện.
EVN còn "dọa" sẽ cắt hợp đồng, "dừng mua điện", bất chấp việc các nhà đầu tư đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư theo khuyến khích của Chính phủ nhằm phát triển các hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Ông L.D.H. - giám đốc một doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại cụm công nghiệp Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - cho biết mấy tháng nay, mỗi lần tới hạn trả nợ ngân hàng là doanh nghiệp của ông lại "nghẹt thở" vì không biết lấy đâu ra tiền để trả.
Doanh nghiệp của ông H. đã đầu tư hệ thống điện áp mái trên nhà xưởng rộng khoảng 7 hecta với tổng kinh phí gần 100 tỉ đồng, trong đó phần lớn là vay ngân hàng.
Hệ thống điện mặt trời đã được đầu tư hoàn thành vào cuối năm 2020 và bắt đầu bán cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (ủy quyền cho điện lực các địa phương ký hợp đồng) từ đầu năm 2021.
Ông H. cho biết trước đây mỗi tháng được điện lực thanh toán trên 2 tỉ đồng thì doanh nghiệp của ông dành khoảng 1,8 tỉ đồng để trả ngân hàng. Phần còn lại dùng để trả lương cho nhân viên, chi phí vận hành...
"Trong những năm đầu thì hầu hết số tiền thu được từ việc bán điện cho EVN chỉ đủ trả ngân hàng, nhà đầu tư kỳ vọng có thể thu lời từ những năm tiếp theo. Thế nhưng đột ngột từ tháng 3-2022, chúng tôi không còn được bên điện lực thanh toán, dù điện họ vẫn đang lấy và bán lại cho người tiêu dùng. Với hàng tỉ đồng bị 'ngâm', doanh nghiệp chỉ gượng được 1-2 tháng đầu, còn tới nay thì chúng tôi đã kiệt sức" - ông H. cho biết.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, không chỉ doanh nghiệp của ông H. mà hầu hết tất cả các nhà đầu tư điện mặt trời áp mái tại các tỉnh phía Nam đều đang bị tạm ngừng thanh toán do điện lực các địa phương thực hiện theo chỉ đạo của EVN và Tổng công ty Điện lực miền Nam.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Dương gửi UBND tỉnh, đơn vị này đã tạm dừng thanh toán với gần 2.600 hệ thống điện mặt trời mái nhà, trong đó có trên 800 hệ thống chưa bổ sung được hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Xây dựng (chủ yếu là hệ thống điện mặt trời tại các nhà xưởng). Tại Đồng Nai, cũng có khoảng 800 trường hợp là doanh nghiệp đầu tư điện áp mái tại nhà xưởng trong khu, cụm công nghiệp gặp vướng mắc...
Một hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - Ảnh: B.S.
Rơi vào thế khó đỡ
Theo trả lời từ các công ty điện lực, việc tạm ngưng thanh toán tiền là để yêu cầu nhà đầu tư cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, yêu cầu đột ngột này của EVN đang gây khó cho các nhà đầu tư điện mặt trời.
Các nhà đầu tư cho rằng hầu hết hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được họ hoàn thành trước ngày 31-12-2020 và đã ký hợp đồng bán điện cho EVN từ đó tới nay. Thế nhưng tới đầu năm 2022, EVN mới đột ngột yêu cầu họ phải cung cấp hồ sơ mới được tiếp tục thanh toán tiền điện.
Trong suốt quá trình đầu tư hệ thống điện mặt trời để bán cho EVN, họ không nhận được bất cứ yêu cầu hay cảnh báo nào về việc phải có các hồ sơ nêu trên. Trên thực tế, bên điện lực cũng đã chấp thuận mua điện hơn một năm qua.
Tới nay, trước yêu cầu của EVN khi hệ thống điện đã hình thành, nhà đầu tư có liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền như Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Phòng quản lý đô thị cấp huyện thì cũng không thể xin được giấy phép do không có quy định cấp phép cho hệ thống điện đã hoàn thành.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, ông Lê Minh Quốc Việt - giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương - cho biết Điện lực Bình Dương nhận thấy các kiến nghị của nhà đầu tư về việc hệ thống điện mặt trời mái nhà thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng là phù hợp.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương lại trả lời khác, cho rằng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải được cấp phép trước khi lắp đặt, nếu đã thi công mà chưa có giấy phép thì sẽ bị xử phạt.
Nếu như theo trả lời của Sở Xây dựng thì tất cả hệ thống điện mặt trời áp mái đã đầu tư tại Bình Dương và nhiều tỉnh thành khác theo quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng "đều vi phạm pháp luật do không xin phép xây dựng".
Cần sòng phẳng với nhà đầu tư
Theo một chuyên gia, để sản xuất được 1 MW điện mặt trời thì cần đầu tư trên 10 tỉ đồng. Với hàng ngàn MW điện mặt trời đã đưa vào sử dụng trên cả nước, nguồn vốn mà các nhà đầu tư đã bỏ ra lên tới hàng chục ngàn tỉ.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư, nhất là khi họ đã tin tưởng hưởng ứng khuyến khích của Nhà nước và đồng hành với EVN nhưng bị đột ngột ngưng thanh toán, thậm chí bị dọa cắt hợp đồng là chưa sòng phẳng với nhà đầu tư.
TTO - Chuyển đổi sang năng lượng sạch không chỉ là cam kết chính trị và môi trường. Đó còn là xu hướng tất yếu để các nước như Việt Nam thu hút đầu tư.
Xem thêm: mth.4204106172502202-pehp-gnohk-gnud-yax-ar-ol-iom-oig-ior-man-noh-nab-iort-tam-neid/nv.ertiout