Ngày 26/5, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn: "Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long". Tham dự có ông Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.
Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn (ảnh: Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam)
Diễn đàn bao gồm 2 phiên thảo luận: Hoàn thiện hạ tầng Logistics – Những kiến nghị từ doanh nghiệp và Liên kết phát triển chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đó, ĐBSCL đang là khu vực có chi phí logistics cao nhất, chiếm đến 30% giá thành sản phẩm, mâu thuẫn với đóng góp về hàng hóa của vùng. Hệ thống cho logistics khu vực thiếu tính liên kết và chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế. Thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu, thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn...
Do đặc trưng về luồng lạch khác biệt giữa các địa phương nên không hình thành được tuyến vận tải thủy nội địa có tải trọng riêng biệt; các sà lan cũng không thể vận tải tối đa tải trọng cho phép. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các Cảng Cát Lái ở TP Hồ Chí Minh và Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu gây tốn nhiều thời gian và chi phí. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp trong vùng còn rất hạn chế… Các thách thức này làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của nông sản ĐBSCL nói riêng và nông sản Việt nói chung.
Ra mắt Ban vận động Hiệp hội Phát triển logistics và chuỗi cung ứng nông sản ĐBSCL (ảnh: báo Cần Thơ)
Tại diễn đàn, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng khẳng định ĐBSCL đang đón thời cơ vàng khi được Trung ương quan tâm, tạo động lực phát triển bằng nhiều chính sách định hướng quy hoạch cụ thể, trong đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội hướng tới hình thành trung tâm logistics lớn nhất vùng và tạo tiền đề cho sự phát triển logistics của Cần Thơ nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung. Mới đây, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII cũng đề ra một loạt giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng.
ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho rằng để phát triển logistics trong bối cảnh canh tranh toàn cầu hiện nay thì cần phải xây dựng được các trung tâm logistics lớn, các doanh nghiệp logistics đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics với giải pháp tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics nội địa với hệ thống kho bãi, môi giới hải quan, công nghệ vận tải đường bộ, qua đó giúp tiết kiệm được chi phí nhờ quy mô.
Tại diễn đàn, đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng bàn thảo những giải pháp cụ thể để phát triển ngành logistics ĐBSCL trong giai đoạn mới, hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics và kết nối cơ hội đầu tư. Các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cùng chia sẻ những kiến thức, thông tin, theo sát các diễn biến thị trường, tìm kiếm những giải pháp cụ thể để thu hút doanh nghiệp logistics, phát triển ngành logistics cho ĐBSCL trong giai đoạn mới; giảm chi phí logistics, hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics chủ động cho phát triển nông nghiệp vùng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!