Học sinh theo học tại một trường quốc tế ở TP.HCM - Ảnh: VĂN KHOA
Bên cạnh đó, năm 2022 ghi nhận làn sóng xuất hiện hàng loạt trường quốc tế mới ở Việt Nam.
871 triệu đồng/năm
Theo ghi nhận của phóng viên, trong năm học 2022 - 2023, phần lớn trường quốc tế tại TP.HCM sẽ tăng học phí từ khoảng 10 - 40 triệu/năm so với năm trước. Cụ thể, ở bậc mầm non, học phí dao động từ 100 - 300 triệu đồng/năm, tiểu học khoảng 150 - 500 triệu đồng/năm, trung học từ 200 đến hơn 700 triệu đồng.
Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) luôn nằm trong những trường có mức học phí cao "chót vót" tại TP.HCM.
Trong năm học 2021 - 2022, học phí cho hai khối 11 và 12 là 821,9 triệu đồng/năm. Năm 2022 - 2023, học phí của hai khối này chạm mốc kỷ lục 871,3 triệu đồng/năm, tăng 49,4 triệu đồng. Học phí từ lớp 1 đến lớp 10 của trường năm 2022 - 2023 từ 589,1 - 763,7 triệu đồng/năm, trong khi đó một năm trước là 555,7 - 720,4 triệu đồng/năm.
Tại Trường Quốc tế Úc (AIS), học phí năm 2022 - 2023 cao nhất ở lớp 12 với mức 734 triệu đồng/năm. So với học phí năm học 2021 - 2022 là 699 triệu đồng/năm, tiền học cho cả năm lớp 12 ở trường này tăng 35 triệu đồng. Học phí lớp 1 cũng tăng từ 455 triệu đồng/năm lên 482 triệu đồng/năm, tăng 27 triệu đồng chỉ sau 1 năm.
Ở Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA), năm học 2021 - 2022 học phí từ lớp 1 đến lớp 12 ở các chương trình khác nhau dao động từ 436,517 triệu đồng/năm đến 655,757 triệu đồng/năm. Đến năm học 2022 - 2023, mức học phí này dự kiến sẽ tăng thêm từ 13 - 33 triệu đồng tùy khối lớp.
Một số trường song ngữ dạy chương trình Cambridge cũng ghi nhận mức tăng học phí. Chẳng hạn tại Trường Quốc tế Anh Việt (BVIS), từ lớp 1 đến lớp 12, tiền học trong năm 2022 - 2023 dao động trong khoảng 406,9 - 550,5 triệu đồng/năm, tăng khoảng 20 - 30 triệu đồng so với năm 2021 - 2022.
Thêm nhiều trường mới
"Miếng bánh" thị phần của trường quốc tế tại Việt Nam ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Theo một chuyên gia giáo dục học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), dường như đang có một loạt trường quốc tế mới đổ bộ vào Việt Nam từ năm 2022 sau khi Trung Quốc thay đổi chính sách giáo dục.
Đầu năm học 2021 - 2022, nước này bắt buộc các trường quốc tế phải dạy chương trình quốc gia Trung Quốc khiến nhiều trường phải đóng cửa. Khi điểm đến Trung Quốc ngày càng khó khăn, các nhà đầu tư giáo dục lại nhìn Việt Nam như một thị trường tiềm năng.
Từ tháng 8-2022, Tổ chức Embassy Education Việt Nam cùng North London Collegiate School (Vương quốc Anh) ra mắt Trường tiểu học Việt Nam Tinh Hoa - North London Collegiate School - tại TP.HCM. Trường Scotch College (Úc) đã mở Trường Scotch AGS tại TP.HCM, sẽ tuyển sinh từ năm học 2022 - 2023.
Nhiều cái tên khác trên thị trường trường quốc tế tại Việt Nam cũng sẽ sớm đi vào hoạt động như Trường Brighton College (Hà Nội), Marianapolis (Đồng Nai), Trường Scotch AGS, Trường Uppingham College (TP.HCM)...
Trước một "rừng" trường quốc tế như vậy, chọn trường nào cho con? Trao đổi về vấn đề này, cô Tracy France - giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) - khuyên phụ huynh nên tìm hiểu trường dạy chương trình gì, có giá trị ra sao, mức độ khó như thế nào, có thích hợp với học lực của các em hay không?
Kế đó cần hình dung được lộ trình sau 12 năm học, khi hoàn thành chương trình tại trường quốc tế thì các em sẽ học tiếp thế nào?
Cuối cùng là về tài chính, phụ huynh đã có những kế hoạch gì đảm bảo việc học trường quốc tế cho con không bị đứt đoạn?
Nhiều cách phân loại trường quốc tế
Theo ông Lê Duy Tân - trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, khái niệm trường "quốc tế" - nói chính xác hơn là trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài - có nhiều cách phân loại.
Nếu xét về vốn đầu tư thì ta có trường có vốn đầu tư nước ngoài, trường tư thục, trường công lập. Nếu xét về chương trình dạy học thì ta có trường dạy chương trình nước ngoài, lấy chứng chỉ nước ngoài, trường dạy chương trình tích hợp học sinh tốt nghiệp có thể dự thi tốt nghiệp phổ thông để lấy bằng Việt Nam và dự thi để lấy bằng nước ngoài tùy theo chương trình...
Tọa đàm "Chất lượng giáo dục quốc tế tại Việt Nam"
Để giúp bạn đọc có thêm góc nhìn về trường quốc tế, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Trường AISVN tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Chất lượng giáo dục quốc tế tại Việt Nam".
Các khách mời sẽ thảo luận về các chương trình giáo dục quốc tế, những kiến thức cần thiết để trang bị cho chính mình và con em trước bối cảnh trường quốc tế ngày một gia tăng rất nhanh hiện nay. Buổi tọa đàm sẽ diễn ra vào lúc 9h, chủ nhật (29-5) và sẽ được phát sóng trên các nền tảng của báo Tuổi Trẻ.
Học phí luôn là nỗi lo của học sinh, sinh viên, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đôi khi học phí chính là rảo cản khiến nhiều bạn không thể đến được cánh cổng trường học, trường nghề, bỏ lỡ ước mơ học tập và nghề nghiệp của mình.
Xem thêm: mth.11534908082502202-et-couq-gnourt-ihp-coh-neyuhc-gnon-3202-2202-coh-man/nv.ertiout