Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá lúa vẫn giữ ổn định, cụ thể: ST 24 có giá là 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa lại không có sự thay đổi, như: IR 50404 là 5.800 đồng/kg; OM4218 là 5.900 đồng/kg; OM 6976 là 5.900 đồng/kg.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn có giá lúa ở mức ổn định so với tuần trước. Như tại Cần Thơ, lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg.
Tại Hậu Giang nhiều loại lúa cũng có giá không đổi so với tuần trước. Điển hình như: giá lúa IR 50404 là 6.400 đồng/kg, OM 18 là 7.000 đồng/kg, RVT là 9.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hầu hết các loại lúa trên địa bàn tỉnh có sự ổn định so với tuần trước như: IR 50404 ở mức từ 5.400-5.500 đồng/kg, lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.800-6.000 đồng/kg, riêng OM 5451 từ 5.600-5.700 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.700-5.800 đồng/kg; riêng OM 18 từ 5.800-5.900 đồng/kg; tăng 100 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức từ 415-420 USD/tấn trong phiên 26/5, không đổi so với tuần trước đó.
Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy khoảng 369.882 tấn gạo đã được bốc dỡ tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/5 đến ngày 28/5, trong đó phần lớn gạo xuất sang Philippines, châu Phi và Cuba.
Theo Báo Tin tức, trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã nới rộng đà giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm do sự sụt giảm giá trị của đồng nội tệ và nguồn cung tại nước xuất khẩu hàng đầu này vẫn dồi dào.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 350-354 USD/tấn, giảm so với mức từ 351 -356 USD/tấn trong tuần trước.
Đồng rupee của Ấn Độ đã giảm xuống mức kỷ lục trong tuần trước so với đồng USD, làm tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu từ việc bán hàng ở nước ngoài.
Giá gạo tại nước láng giềng Bangladesh đã tăng trở lại trong tuần này, bất chấp nguồn cung tốt, điều mà các nhà giao dịch đổ lỗi cho mức tăng giá trên thị trường toàn cầu.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giao dịch ở mức 450 USD/tấn, tăng so với mức từ 430-445 USD/tấn trong tuần trước do đồng nội tệ mạnh lên và chi phí sản xuất tăng.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản đều tăng trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) hôm 27/5, dẫn đầu là ngô.
Khép phiên này, giá ngô kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 12,25 xu Mỹ (1,6%) lên 7,7725 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 14,25 xu Mỹ (1,25%) lên 11,575 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 7/2022 tăng 5,75 xu Mỹ (0,33%) lên 17,3225 USD/bushel. (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô và lúa mì kỳ hạn tăng sau thông tin cho thấy Nga sẽ không lùi bước trước yêu cầu các nước phương Tây bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lại hành lang xuất khẩu ngũ cốc ra khỏi Ukraine.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ công bố Báo cáo Tiến độ Cây trồng vào ngày 31/5 tới, báo cáo này sẽ rất quan trọng đối với giá nông sản giao dịch trên CBOT. Trọng tâm sẽ là khu vực Bắc Dakota, Nam Dakota và Minnesota và tiến độ gieo hạt ngô, đậu tương và lúa mì vụ Xuân của những khu vực này.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) dự kiến sẽ công bố quyết định của mình vào ngày 4/6 về các nhiệm vụ về nhiên liệu sinh học cho năm 2022.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London điều chỉnh giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 7/2022 giảm 10 USD xuống 2.197 USD/tấn, còn giá cà phê kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 13 USD, còn 2.096 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York tiếp nối đà hồi phục. Cà phê Arabica giao tháng 7/2022 tăng thêm 2,85 xu Mỹ lên 229,45 xu Mỹ/lb, còn giá cà phê giao tháng 9/2022 tăng thêm 2,90 xu Mỹ lên 219,70 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535kg). Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm từ 300 - 400 đồng, lên dao dộng trong khung 40.800 - 41.400 đồng/kg.
Đồng real tăng lên mức cao 5 tuần so với USD đã ngăn cản người Brazil bán hàng cà phê vụ mới, trong khi các quỹ hàng hóa tăng mua góp phần đẩy giá cà phê kỳ hạn tại New York lên đứng ở mức cao nhất 6 tuần qua.
Báo cáo từ Cecafé (Brazil) cho biết vụ thu hoạch cà phê Conilon Robusta bị chững lại vì có mưa rải rác ngăn cản việc phơi sấy và quan trọng hơn cả là sản lượng đạt kỷ lục khiến kho bãi của các hợp tác xã sản xuất không còn chỗ để chất hàng cho dù thu hoạch vụ mùa hiện chưa hoàn tất. Cecafé cho biết nhu cầu cà phê nguyên liệu để sản xuất cà phê hòa tan và rang xay cũng tăng cao, có khả năng lên tới 22,5 triệu bao trong năm nay cho nên họ cũng thận trọng hơn khi bán cà phê nguyên liệu xuất khẩu.
Trong thời gian từ tháng 1-4/2022, Brazil đã xuất khẩu được 14,1 triệu bao cà phê loại 60 kg. Lượng cà phê này thấp hơn 10,8% so với lượng xuất khẩu cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của sự sụt giảm sản lượng cà phê trong năm 2021 và tồn kho dự trữ nội địa sụt giảm trong những tháng đầu năm 2022.
Khối lượng giao dịch khá thấp trên cả hai sàn trong phiên vừa qua là do phần lớn nhà đầu tư Âu – Mỹ rời khỏi thị trường với kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài.
Sơ kết vụ Đông - Xuân 2021 - 2022, triển khai vụ Hè Thu
Vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, các tỉnh phía Bắc gieo cấy trên 1 triệu ha, năng suất ước đạt 62,7 tạ/ha, giảm khoảng 1,8 tạ/ha, lợi nhuận trung bình giảm khoảng 2,8 triệu đồng/ha so với vụ Đông Xuân năm trước.
Tổng diện tích lúa được chuyển sang trồng các loại cây màu khác khoảng 6,8 nghìn ha; các tỉnh, thành đã phát triển được 37 chuỗi lúa gạo với diện tích trên 18.800 ha, sản lượng trên 43.500 tấn; 235 chuỗi rau màu với diện tích trên 25.700 ha, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt 12%.
Nhiều tỉnh đã áp dụng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang), mô hình trồng dưa hấu, dưa lê tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), chuỗi sản xuất lúa gạo quy mô 600 ha/vụ ở Nam Định…
Trao đổi với Báo Đầu tư về thời tiết vụ Hè Thu và vụ mùa, theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, các tháng 7, 8, 9 ở Bắc Bộ sẽ có mưa nhiều, tập trung nhất trong tháng 8, đúng vào giai đoạn lúa mới cấy. Ngoài ra, do lúa vụ Đông Xuân thu hoạch muộn từ 7 – 15 ngày gây nhiều khó khăn cho khâu làm đất, gieo cấy.
Vụ Hè Thu, vụ mùa năm 2022, các tỉnh phía Bắc gieo cấy gần 1,2 triệu ha với giống lúa cực ngắn và ngắn ngày. Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương “cấy càng sớm càng tốt” nhằm né những bất thuận của thời tiết. Vùng Bắc Trung bộ kết thúc cấy trong tháng 7, vùng đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi xong trước 20/7. Để thuận lợi cho việc quản lý sâu bệnh hại, mỗi địa phương nên cơ cấu từ 3 – 4 giống lúa chủ lực và 3 – 4 giống bổ sung.
Hương Anh (tổng hợp)