Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Văn Hồi - Ảnh: HÀ QUÂN
Ngày 30-5, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo triển khai hướng dẫn chi trả điện tử trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội.
Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn chi trả điện tử trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại Việt Nam, tham vấn ý kiến các địa phương về việc triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt trên toàn quốc.
100.000 tỉ đồng chi trả lương hưu mỗi năm
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết kinh phí chi trả cho lĩnh vực người có công khoảng 35.000 tỉ đồng/năm, lĩnh vực bảo trợ xã hội khoảng 22.000 tỉ đồng/năm, chi trả lương hưu trên 100.000 tỉ đồng/năm... Tổng chi trả chính sách và các chương trình trợ giúp xã hội ước tính 5 tỉ USD/năm.
Các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội cũng ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn. Do đó, ông Hồi cho rằng chi trả điện tử trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội sẽ là "chìa khóa" giải quyết vướng mắc, từ đó giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân và đảm bảo công khai, minh bạch.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng cho hay có khoảng 50% dân số liên quan đến chi trả các chính sách an sinh xã hội. Tổng dòng tiền từ ngân sách nhà nước và các quỹ an sinh xã hội đến hàng trăm nghìn tỉ đồng.
Do vậy, thanh toán không dùng tiền mặt càng đem lại nhiều tiện ích cho đối tượng, cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ và quản lý cơ sở an sinh xã hội hiệu quả hơn.
Một con số đáng chú ý tại hội thảo là 57% người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân ở khu vực đô thị - Ảnh: HÀ QUÂN
Bài học cho Việt Nam
Tại hội thảo, ông Kenichi Nishikawa Chavez, chuyên gia kinh tế cao cấp về an sinh xã hội Ngân hàng Thế giới (World Bank), dẫn chứng Mexico có điểm chi trả tạm thời đặt tại địa phương trong 1 - 2 ngày, tuy vậy cách này gây bất tiện cho người dân.
Trong khi, Bangladesh xây dựng hệ sinh thái chi trả như ngân hàng, đại lý chi trả, điểm thanh toán di động nhưng hạn chế là không phủ sóng tới từng thôn, bản. Còn ở Thái Lan, người dân không mất phí khi rút tiền tại ngân hàng khác.
Từ kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia Kenichi khuyến nghị Việt Nam cần thiết lập nhiều điểm chi trả an sinh xã hội tạm thời tới cấp thôn, bản; hệ thống ngân hàng đảm bảo đủ tiền để người dân rút tiền thuận tiện trong những ngày cao điểm, dịch bệnh như COVID-19; đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản an sinh xã hội và khống chế số lượng tài khoản nhận tiền (tối ưu là 1 tài khoản duy nhất)…
Còn ông Yasser El-Gammal, trưởng ban an sinh xã hội và việc làm khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, cho rằng COVID-19 là phép thử để các nước như Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Tuy vậy, ông cho rằng việc triển khai chi trả điện tử sẽ gặp khó khăn nên Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành cùng Việt Nam. Chẳng hạn, Indonesia, Philippines có nhiều nơi không có cây ATM, địa lý khó khăn nhưng vẫn có thể khắc phục bằng cách thí điểm nhiều lần.
Đồng hành cùng chuỗi các sự kiện của Ngày không tiền mặt năm 2022, NAPAS tiếp tục tích cực góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.
Xem thêm: mth.83200915103502202-ut-neid-art-ihc-coud-es-uuh-gnoul-gnod-it-000-001/nv.ertiout